Khái niệm:

Thuận tình ly hôn là trường hợp ly hôn theo yêu cầu của cả hai vợ chồng. Khi đó, các bên đương sự đã thỏa thuận được tất cả những vấn đề quan hệ vợ chồng, quyền nuôi con, cấp dưỡng, chia tài sản, giải quyết nợ chung…

Đơn phương ly hôn là trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ chồng hoặc 1 trong các bên không đồng thuận được tất cả những vấn đề quan hệ vợ chồng, quyền nuôi con, cấp dưỡng, chia tài sản.

Điều kiện:

Thuận tình ly hôn: Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn. (Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014)

Đơn phương ly hôn:

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia. (Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014)

Thủ tục:

Thuận tình ly hôn:

- Chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn đến Tòa án cấp huyện nơi một trong các bên cư trú, làm việc.

- Thực hiện nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án; Tòa thụ lý đơn và chuẩn bị giải quyết yêu cầu. Sau đó, Tòa tiến hành hòa giải, theo đó, sẽ có 3 trường hợp xảy ra: Tòa án hòa giải thành, vợ chồng đoàn tụ thì Tòa đình chỉ giải quyết yêu cầu; hòa giải không thành mà các đương sự vẫn giữ yêu cầu ly hôn thì Tòa xem xét các điều kiện để ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn; hòa giải không thành và các đương sự không thỏa thuận được về các vấn đề tài sản, con chung… thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự và thụ lý vụ án ly hôn để giải quyết.

- Lưu ý: Pháp luật không hạn chế việc các bên cùng thỏa thuận về thuận tình giải quyết ly hôn và các vấn đề liên quan.

Đơn phương ly hôn:

- Hồ sơ ly hôn sẽ nộp tại Tòa án cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc.

- Thực hiện nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án; Tòa án thụ lý vụ án theo quy định của pháp luật. Sau đó, Tòa án tiến hành giải quyết vụ án ly hôn đơn phương và ra bản án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

- Lưu ý: Người chồng không được quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Mời quý vị và các bạn cùng nghe toàn bộ cuộc trao đổi của phóng viên với luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội để tìm hiểu rõ hơn về 2 hình thức thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn: