Một thính giả gửi thư về chương trình Cầm tay chỉ luật của VOV2 hỏi: "Sau khi cưới 1 thời gian, bố chồng em có tặng cho 2 vợ chồng em 1 lô đất đứng tên riêng 2 vợ chồng, có tài sản trên đất của 2 vợ chồng làm ra, 17 năm sau vợ chồng em bán lô đất này đi và mua mảnh đất khác xây nhà, sổ đỏ đứng tên 2 vợ chồng, hiện tại em và chồng không ở được với nhau nên đồng thuận ly hôn, nhưng gia đình chồng và chồng không đồng ý chia tài sản cho em, mặc dù nhà đất đứng tên 2 vợ chồng. Xin tư vấn giúp em thủ tục ly hôn và giành lại phần tài sản. Trong trường hợp này em có thể đơn phương ly hôn được không?". Luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty luật Minh Bạch tư vấn về trường hợp của thính giả.

Phóng viên: Thưa luật sư, trong trường hợp của thính giả thì có thể ly hôn đơn phương được không?

Luật sư Tuấn Anh: Xét theo Luật hôn nhân và gia đình, khi cuộc sống chung không còn hòa thuận, mục đích hôn nhân không đạt được, mâu thuẫn gia đình lên đến đỉnh điểm thì một trong các bên có quyền đề nghị tòa án giải quyết ly hôn. Có 2 cách thức: Một là các bên đồng thuận ly hôn tức là đồng thuận cả ba vấn đề: quan hệ về hôn nhân, quan hệ về con cái và quan hệ về tài sản. Một trong ba vấn đề này không giải quyết được thì xem là ly hôn không đồng thuận, tức là phát sinh tranh chấp. Ở đây sẽ thành vụ án ly hôn. Trong trường hợp này chị hoàn toàn có thể làm đơn đề nghị tòa án nơi anh chị sống hoặc nơi anh sinh sống để giải quyết vụ án ly hôn. Về thủ tục ly hôn thì gồm có đơn khởi kiện vụ án ly hôn, trong đấy trình bày vấn đề của hôn nhân, các vấn đề đã thỏa thuận được những vấn đề chưa thỏa thuận được nhờ tòa án giải quyết. Kèm theo đó là giấy đăng ký kết hôn bản gốc, giấy tờ xác minh cư trú của các bên, giấy khai sinh của các con. Lúc ấy tòa án sẽ thụ lý và giải quyết.

Phóng viên: Còn vấn đề về tài sản thì sao, thưa luật sư? Nếu đơn phương ly hôn cô ấy có được quyền hưởng tài sản là căn nhà hai vợ chồng đứng tên không?

Luật sư Tuấn Anh: Để phân chìa tài sản thì phải xem tài sản hình thành ra sao? Trong thư chị trình bày thì tài sản này ban đầu được nhà chồng tặng cho. Thế thì theo Pháp luật kể cả Luật dân sự hay Luật quy định về hôn nhân gia đình cũng quy định là những tài sản được tặng cho chung là tài sản chung. Rõ ràng ở đây ý chí của bố mẹ chồng chị là tặng cho chung. Trong quá trình hôn nhân lại bán thửa đất này đi rồi tức là tài sản tặng cho không còn nữa, sau đấy lại dùng tài sản ấy để tạo lập nên tài sản khác. Đây hoàn toàn là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Và nguyên tắc chia tài sản chung là chia đôi, có tính đến một chút công sức đóng góp hoặc nguồn gốc tạo lập nên tài sản, tuy nhiên trong trường hợp này là không nhiều. Nếu chị cung cấp được các chứng cứ cho tòa thì trong trường hợp này chị được hưởng 50% giá trị quyền sử dụng đất cũng như tài sản gắn liền trên đất mới mà anh chị tạo lập được. Ngoài tài sản về nhà đất, chị còn được chia 50% tất cả các tài sản mà chị và anh tạo lập được trong thời kỳ hôn nhân. Nếu chị muốn lấy hiện vật thì chị cũng nêu rõ trong đơn khởi kiện là tôi muốn lấy hiện vật để ổn định đời sống chẳng hạn. Và tôi sẽ hoàn lại 50% giá trị tài sản cho chồng tôi bằng tiền. Hoặc ngược lại thì hoàn toàn do sự thỏa thuận của các đương sự.

Phóng viên: Trong trường hợp gia đình chồng vẫn nhất quyết không phân chia tài sản cho cô ấy, thì cô ấy nên làm gì?

Luật sư Tuấn Anh: Nếu gia đình chồng yêu cầu chị phải hoàn lại số tiền ban đầu đã cho thửa đất thì tòa án sẽ xác định bố mẹ chồng sẽ là người liên quan trong vụ án này và đưa ra yêu cầu. Lúc này tòa án sẽ đánh giá ngày xưa việc cho tặng ấy có hợp pháp hay không, đúng ý chí hay không, có tự nguyện hay không. Nếu cho tặng là sự tự nguyện thì rõ ràng tài sản này là tài sản chung của vợ chồng rồi không còn là tài sản của bố mẹ chồng nữa. Lúc này yêu cầu về việc không cho bán hay phân chia tài sản này là yêu cầu không có căn cứ pháp luật và tòa án sẽ bác cái yêu cầu này, khẳng định tài sản này là tài sản chung của vợ chồng và mỗi người sẽ được một nửa trong khối tài sản chung như vậy.

Phóng viên: Xin cảm ơn luật sư.

Mời nghe âm thanh tại đây: