Sử dụng tiền từ thiện như thế nào từ trước đến nay vẫn luôn là vấn đề nhạy cảm và mới đây, hàng loạt nghệ sĩ Việt vướng phải loạt ồn ào liên quan đến vấn đề này như nghệ sĩ Hoài Linh chậm trễ giải ngân hơn 14 tỷ đồng từ thiện đồng bào miền Trung, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị tố “ôm” 96 tỷ tiền từ thiện hay vợ chồng nữ ca sĩ Thủy Tiên bị nghi “ăn chặn” 177 tỷ tiền từ thiện cho miền Trung từ cuối năm 2020... Từ khóa “nghệ sĩ làm từ thiện” và “sao kê” cùng những câu chuyện và nhân vật xung quanh khiến dư luận đưa ra nhiều quan điểm cũng như góc nhìn khác nhau.

Theo luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng đội, hiện nay, ở nước ta, chưa có quy định cụ thể về việc cá nhân được phép vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp từ thiện. Theo Nghị định 64/2008/NĐ-CP thì chỉ có một số cơ quan, tổ chức mới được tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ nhưng cũng không cấm cá nhân được phép huy động từ thiện. Chính vì thế, thời gian qua, nhiều cá nhân, người có uy tín trong xã hội đã đứng lên vận động cộng đồng quyên góp ủng hộ đồng bào gặp khó khăn trong thiên tai, dịch bệnh... Tuy nhiên việc làm từ thiện của họ lại không bài bản, chặt chẽ khiến dư luận nghi ngờ. "Việc công khai tiền vận động của người khác theo tôi nghĩ là chúng ta đàng hoàng, mình công khai càng thể hiện minh bạch. Không bắt buộc không có nghĩa là chúng ta không làm. Đây cũng là việc phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp thông lệ quốc tế, làm gì cũng đều phải công khai, minh bạch. Tôi nghĩ Bộ Tài Chính cần sớm có hướng dẫn dự thảo nghị định của Chính phủ để quy định cá nhân, tổ chức làm gì, làm như thế nào và có sự giám sát của cộng đồng." - Luật sư Trần Xuân Tiền phát biểu quan điểm cá nhân.

Luật sư cũng cho biết: "Theo quy định của pháp luật, người huy động từ thiện cung cấp thông tin sai sự thật về việc quyên góp, làm người khác tin tưởng nhưng sau đó không thực hiện mà chiếm đoạt số tiền từ 2 triệu đồng trở lên thì có thể bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, mức phạt đến 3 năm tù giam; nếu chiếm đoạt trên 500 triệu đồng thì có thể phạt tù đến chung thân. Còn trong trường hợp cơ quan điều tra xác định người huy động tiền từ thiện cố tình không phân phát tiền từ thiện, thực hiện mục đích chiếm đoạt tài sản giá trị từ 4 triệu đồng sau khi huy động xong, có thể bị truy cứu tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật này, mức phạt 3 năm tù giam và nếu chiếm đoạt trên 500 triệu đồng thì có thể bị phạt đến 20 năm tù."

Người nổi tiếng được yêu quý, tin cậy, kêu gọi quyên góp từ thiện được rất nhiều tiền nhưng khi cầm tiền, nhiều người lại chưa chuyên nghiệp trong quản lý và chi tiêu. Xung quanh những lùm xùm về chuyện từ thiện của nghệ sĩ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, trong đó nhấn mạnh nghệ sĩ phải có trách nhiệm minh bạch trong hoạt động xã hội, từ thiện. Điều này được dư luận đồng tình ủng hộ. Nhưng hơn hết, mỗi cá nhân nói chung, mỗi nghệ sĩ nói riêng phải tạo cho mình thói quen công khai, minh bạch số tiền quyên góp được từ các mạnh thường quân./.