Theo đề xuất của đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Anh Trí, Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính quy định 4 nhóm chính sách trọng tâm, bao gồm: Điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính; thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân; xác nhận giới tính đối với các trường hợp đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật Chuyển đổi giới tính có hiệu lực; thẩm quyền và thủ tục công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính. Sau khi nghiên cứu hồ sơ do Bộ Y tế chuyển đến, nhiều đại biểu cho rằng việc xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính là rất cần thiết.
Bà Thái Thị An Chung, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An lý giải, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã đề cập việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Tuy nhiên, khi Bộ luật Dân sự có hiệu lực đến nay vẫn chưa có văn bản nào quy định về việc chuyển đổi giới tính.
Qua nghiên cứu các tài liệu liên quan đến đề nghị xây dựng Luật chuyển đổi giới tính do đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí chuẩn bị, báo cáo thẩm tra đề nghị xây dựng luật của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Thái Thị An Chung đồng tình với sự cần thiết nhanh chóng xây dự luật này để khẳng định, tôn trọng và đảm bảo quyền con người, quyền công dân của người chuyển đổi giới tính.
Góp ý vào Luật Chuyển đổi giới tính, đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương nhận thấy, qua quy định tại Chương 2 của Hiến pháp về quyền con người và truyền thống văn hóa của Việt Nam, Luật Chuyển đối giới tính là một bước tiến dũng cảm và văn minh.
Qua nghiên cứu báo cáo đánh giá tác động của đại biểu Nguyễn Anh Trí, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý để xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, một số đối tượng trong cộng đồng LGBT chưa được quan tâm như song giới, đồng giới…
“Qua các phương tiện truyền thông đại chúng và phản ánh xã hội, đại biểu nhận thấy, cộng đồng LGBT của Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức như cộng đồng của LGBT trong khu vực và trên thế giới. Họ có thể vẫn còn bị kì thị và chưa phát huy hết khả năng trí tuệ của họ trong công việc và trong cuộc sống hàng ngày, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội. Vì vậy, đề nghị xem xét mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Chuyển đổi giới tính là mở rộng thêm đối tượng cộng đồng LGBT”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.
Không chỉ nhận thấy sự cần thiết của Luật Chuyển đổi giới tính, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn còn cho rằng cần đẩy nhanh việc xây dựng Luật.
“Luật chuyển đổi giới tính liên quan chặt chẽ đến quyền con người, quyền công dân, là một bước cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và Bộ luật dân sự. Trong trường hợp dự án Luật được Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình, đề nghị bổ sung một mục tại Điều 4 của dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng pháp luật năm 2024 quy định rõ trách nhiệm các cơ quan hữu quan trong việc hỗ trợ đại biểu Nguyễn Anh Trí soạn thảo luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nói.
Phát biểu ý kiến về nội dung liên quan đến dự án Luật Chuyển đổi giới tính, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho biết, thời gian qua, đại biểu đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ, góp ý, góp sức để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Chuyển đổi giới tính.
Ông bày tỏ mong muốn Dự thảo Luật sẽ sớm được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét và thông qua. Tuy nhiên, qua các góp ý, đại biểu thấy rằng, có nhiều nội dung cần phải xem xét, nghiên cứu kỹ, nên thời gian trình lùi xuống Kỳ họp thứ 8, và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 là hợp lý.
Theo ước tính hiện nay Việt Nam có khoảng 400.000 người chuyển giới. Các rào cản về mặt xã hội, văn hóa và pháp lý khiến người chuyển giới trở thành nhóm dễ bị tổn thương. Chính vì vậy, cần xây dựng luật trên cơ sở cụ thể hóa quyền chuyển đổi giới tính tại Bộ luật dân sự, nhằm khẳng định quyền tự xác lập bản dạng giới, chuyển đổi giới tính là một quyền nhân thân cơ bản của công dân, đảm bảo cho họ được sống bình đẳng trong xã hội; đồng thời góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội về chuyển đổi giới tính.