Theo kết quả giám định của cơ quan công an, chị Bùi Thị Tuyết Giao - người vợ bị chồng bạo hành khi đang mang bầu 7 tháng ở huyện Kim Thành (Hải Dương) - có tỷ lệ thương tật là 29%. Chị Giao cho biết, chị đã nộp đơn ly hôn với chồng ra Tòa án nhân dân huyện Kim Thành. 2 vợ chồng hiện có 1 con trai 17 tháng tuổi.
Tại cơ quan công an, Trần Văn Luân, chồng chị Giao chỉ khai nhận đánh chị 3 lần đánh chị Giao. Lần thứ nhất dùng tay không đánh; lần thứ 2 dùng lược chải tóc bằng nhựa dài khoảng 40cm đánh vào mông, lưng; lần thứ 3 dùng dây lưng da đánh vào lưng, vai, mông, chân, tay. Trong khi đó, tại cơ quan công an, chị Giao khai, khoảng 1,5 năm trở lại đây, chị này thường xuyên bị chồng đánh, đỉnh điểm nhất là vào khoảng thời gian từ ngày 1/5-10/5/2023.
Cơ quan công an đã trưng cầu giám định tổng 205 vết thương trên cơ thể chị Giao trong đó có 32 vết bỏng da vùng mặt, 8 vết bỏng da vùng lưng, 3 vết bỏng da vùng vai, 9 vết bỏng da vùng tay, 70 vết xước da, bầm tím vùng mông, đùi, chân.
Trước đó, chiều 24/5, Cơ quan điều tra Công an huyện Kim Thành (Công an tỉnh Hải Dương) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Cố ý gây thương tích và tội Hành hạ vợ với nghi phạm Trần Văn Luân, chồng chị Giao. Đồng thời, Cơ quan điều tra Công an huyện Kim Thành cũng quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với nghi phạm Trần Văn Luân (37 tuổi, ở thôn Quỳnh Khê 2, xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, Hải Dương).
Khi ly hôn, người vợ có được nuôi con không?
Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho biết: Theo quy định của pháp luật, sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Đối với trường hợp con 17 tháng tuổi, tại Điều 81, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Luật sư Toại nhận định: Con của chị Giao hiện được 17 tháng tuổi, đương nhiên sẽ được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, trừ khi người chồng chứng minh được chị Bùi Thị Tuyết Giao không đủ điều kiện để nuôi con (về điều kiện kinh tế, tinh thần, môi trường sống…). Trong trường hợp này, cũng có thể người bố giành được quyền nuôi con. Tuy nhiên, theo luật sư, trong trường hợp chị Giao, việc này sẽ rất khó khăn và ít có khả năng xảy ra, vì người bố đã có những hành vi bạo lực sức khỏe, tinh thần với vợ, sẽ không đảm bảo về mặt tinh thần để con có thể phát triển bình thường.
Sau khi sinh con, người vợ có được quyền nuôi cả 2 con?
Luật sư Toại cho rằng: Theo quy định của pháp luật, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Việc này không phụ thuộc và bị giới hạn bởi số lượng các con chung. Vì vậy, trường hợp chị Giao muốn nuôi cả 02 con nhỏ cũng sẽ áp dụng tương tự đối với trường hợp 01 con.
Nếu chồng phải chịu trách nhiệm hình sự, vợ có được nuôi con?
Khi người chồng bị cơ quan chức năng kết luận là có tội và phải chịu trách nhiệm hình sự thì người chồng đã thuộc trường hợp bị hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 85 Luật HNGĐ 2014: “Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”. Căn cứ theo quy định tại Điều 86 Luật HNGĐ 2014, chị Giao có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền nuôi con của người chồng.
Như vậy, trong trường hợp người chồng bị cơ quan chức năng kết luận là có tội và phải chịu trách nhiệm hình sự, trong thời gian chồng thi hành án, chị Giao có quyền nuôi con.
Chồng chị Giao có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định tại Điều 110 Luật HNGĐ 2014: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.”