Một thính giả ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định gửi thư về VOV2 nêu băn khoăn:
Khi còn sống, ông bà tôi đã để lại di chúc chia đều toàn bộ tài sản gồm ngôi nhà và diện tích đất đang ở cho 4 người con gái. Sau khi ông và bà tôi mất, do ai cũng có nhà riêng mà cũng muốn có chỗ để thờ tự và có nơi để đại gia đình gặp nhau vào những ngày giỗ chạp, lễ, Tết, nên đã ký thoả thuận giao toàn bộ phần di sản thuộc quyền thừa kế của mình cho bác cả tôi quản lý. Vì gia đình bác ở gần nhà ông bà. Tuy nhiên, do nợ nần nên bác cả đã lén bán toàn bộ nhà đất đó để trả nợ. Chính điều này đã gây ra sự bất đồng lớn trong gia đình. Trong trường hợp này, mẹ tôi và các dì tôi phải làm gì để lấy lại được phần di sản thừa kế của mình?
Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội cho biết, Điều 618 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Quyền của người quản lý di sản như sau:
Thứ nhất, người quản lý di sản theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 có quyền bao gồm:
- Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;
- Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế và được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
Thứ hai, người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 có quyền: Được tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế; Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế và được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
Thứ ba, trong trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý.
Điều 617 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Nghĩa vụ của người quản lý di sản như sau:
Thứ nhất, người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật này có nghĩa vụ sau đây:
- Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;
- Thông báo về tình trạng di sản cho những người thừa kế; Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại và Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.
Thứ hai, người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật này có nghĩa vụ sau đây:
- Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác;
- Thông báo về di sản cho những người thừa kế;
- Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
- Giao lại di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế.
Theo quy định pháp luật hiện hành, khi những người thừa kế thống nhất giao toàn bộ phần di sản thuộc quyền thừa kế của mình cho một người khác quản lý thì việc người đó có được toàn quyền quyết định phần di sản đó hay không còn phải phụ thuộc vào nội dung thỏa thuận giữa các bên. Cụ thể:
- Nếu các bên thỏa thuận rằng người quản lý có toàn quyền quyết định, thì người đó có thể thực hiện các hoạt động liên quan đến tài sản mà không cần phải xin ý kiến hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế khác.
- Còn nếu các bên thỏa thuận chỉ giao cho người quản lý bảo quản di sản mà không trao toàn quyền quyết định, thì người quản lý chỉ có quyền thực hiện các công việc bảo quản, duy trì và sử dụng tài sản trong phạm vi cho phép, không có quyền chuyển nhượng, bán, hoặc làm thay đổi quyền sở hữu của tài sản đó trừ khi có sự đồng ý của tất cả các thừa kế.
Như vậy, việc người quản lý có được toàn quyền quyết định hay không hoàn toàn phụ thuộc vào nội dung thỏa thuận giữa các thừa kế với nhau.
Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội: