Luật sư Nguyễn Văn Nam, Cty Luật Hồng Bách và cộng sự phân tích các quy định của pháp luật về tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân:
Theo quy định tại điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Nghị định số 126/2024/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình những tài sản sau được xác định là tài sản chung của vợ và chồng:
Thứ nhất, tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân;
Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp, tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước, các khoản thu nhập hợp pháp khác phù hợp với quy định pháp luật được xác định là nguồn thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng;
Thứ hai, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Thứ ba, quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Đối với sổ tiết kiệm hay xe ô tô, dù đứng tên một người nhưng đây là tài sản chung hay tài sản riêng thì theo luật sư Nguyễn Văn Nam, Cty Luật Hồng Bách và cộng sự, hiện nay pháp luật không bắt buộc cả vợ cùng chồng cùng đứng tên trên các giấy tờ về sở hữu/sử dụng tài sản thì tài sản này mới được coi là tài sản chung của vợ chồng. Pháp luật chỉ quy định tài sản được hình thành mà đáp ứng các điều kiện theo quy định tại điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và các văn bản hướng dẫn có liên quan thì được xác định là tài sản chung của vợ, chồng, việc ai đứng tên trên các giấy tờ về tài sản không phải là vấn đề mấu chốt xác định là tài sản chung của vợ chồng./.