Trong trường hợp phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, số tiền bảo hiểm được trả trong trường hợp khoản tiền gửi tiết kiệm với người thụ hưởng là người dưới 15 tuổi và người gửi tiền là người đại diện theo pháp luật là cha/mẹ được xác định như thế nào?

Điều 16 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“- Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự.

- Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau.

- Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết.”

Điều 55, Điều 56 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, người giám hộ có nghĩa vụ đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự và quản lý tài sản của người được giám hộ.

Như vậy, người dưới 18 tuổi là cá nhân có năng lực pháp luật dân sự độc lập và bình đẳng. Người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự có thể trực tiếp mở tài khoản tại ngân hàng. Người chưa đủ 15 tuổi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ.

Người đại diện theo pháp luật là cha/mẹ đại diện cho người dưới 15 tuổi trong các giao dịch dân sự và quản lý tài sản của người đó.

Số tiền bảo hiểm được trả cho cá nhân người dưới 15 tuổi được xác định độc lập theo quy định của pháp luật về BHTG tối đa không vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện hành mà không liên quan đến việc xác định số tiền bảo hiểm được trả cho cá nhân là người đại diện theo pháp luật.

Trong trường hợp hai hay nhiều tổ chức tham gia BHTG hợp nhất: tiền gửi của người được BHTG vẫn tiếp tục được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG là tổ chức mới được hình thành sau hợp nhất.

Trường hợp hai hay nhiều tổ chức tham gia BHTG (sau đây gọi là tổ chức bị sáp nhập) sáp nhập vào một tổ chức tham gia BHTG khác (sau đây gọi là tổ chức nhận sáp nhập): tiền gửi của người được BHTG tại tổ chức bị sáp nhập vẫn tiếp tục được bảo hiểm tại tổ chức nhận sáp nhập.

Nếu tổ chức tham gia BHTG sau sáp nhập hay hợp nhất đó được cơ quan chức năng xác định là mất khả năng chi trả hoặc phá sản, BHTGVN chi trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG theo hạn mức hiện hành.

Khi tổ chức tham gia BHTG chia, tách thành các pháp nhân độc lập thì tiền gửi của người được BHTG vẫn tiếp tục được bảo hiểm. Các khoản tiền gửi được bảo hiểm của khách hàng tại tổ chức tham gia BHTG bị chia, tách sẽ được các pháp nhân mới hình thành sau chia, tách tiếp nhận và tham gia BHTG với tư cách độc lập./.