Hầu hết người dân có khoản tiền nhàn rỗi thường lựa chọn gửi tại các ngân hàng nhằm mục đích tiết kiệm, sinh lời ổn định và quan trọng hơn cả là an toàn hơn các hình thức khác. Tuy nhiên, thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ việc tiền tiết kiệm của người gửi tại ngân hàng “không cánh mà bay” khiến nhiều người hoang mang. Các vụ việc này làm dấy lên nhiều lo ngại bởi hệ thống ngân hàng vốn được xem là kênh bảo mật tiền gửi an toàn.
Mới đây, ngành công an thông tin về vụ việc một khách hàng sau hơn 2 năm gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) bỗng dưng bị mất hơn 58 tỉ đồng. Ngay sau thông tin này, tiếp tục nhiều khách hàng phản ánh khoản tiền gửi tại ngân hàng này cũng "bốc hơi". Ngay sau đó, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Giám đốc Ngân hàng MSB Thanh Xuân vì có hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại là những người gửi tiền tại ngân hàng với tổng số tiền 338 tỷ đồng.
Cuối năm ngoái, bà Hồ Thị Thùy Dương ở thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa phát hiện tài khoản của mình tại Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh Khánh Hòa bị mất tiền nên đề nghị ngân hàng trích lục sao kê. Kết quả, có tổng cộng 12 giao dịch trong đó 9 giao dịch rút tiền mặt và 3 giao dịch chuyển khoản diễn ra trong vòng 1 tháng với số tiền 46,9 tỷ đồng. Sau khi điều tra làm rõ, Công an tỉnh Khánh Hoà đã khởi tố 4 cán bộ Phòng giao dịch Sacombank TP. Cam Ranh về tội “Tham ô tài sản”.
Vụ án được xem điển hình về trường hợp tiền gửi hàng trăm tỉ đồng trong ngân hàng bỗng nhiên biến mất, gây chấn động thị trường mấy năm trước. Đó là số tiền 245 tỉ đồng của bà Chu Thị Bình gửi tại Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Do số tiền gửi rất lớn nên bà Bình được ngân hàng chăm sóc theo chế độ khách hàng VIP. Ông Lê Nguyễn Hưng, Phó giám đốc Eximbank TP.HCM, đã lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình cũng như kẽ hở của ngân hàng để chỉ đạo nhân viên lập chứng từ giả, rút tiền từ tài khoản của bà Bình với tổng số tiền 245 tỉ đồng.
Đây chỉ là một vài vụ việc tiền gửi của khách hàng "bỗng dưng" biến mất xảy ra thời gian vừa qua. Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty luật Hồng Bách và cộng sự cho rằng, nếu ngân hàng và khách hàng tuân thủ theo đúng quy trình giao dịch thì không thể xảy ra những sự cố đáng tiếc như vậy.
Hệ thống ngân hàng là một hệ thống tài chính thuộc cho là an toàn nhất trong tất cả các hệ thống. Từ kỹ thuật bảo mật cho đến các giao dịch được chính ngân hàng kiểm soát chặt chẽ. Tất cả hoạt động đó đều được Ngân hàng nhà nước là cơ quan chủ quản cao nhất giám sát thường xuyên.
Chính vì vậy, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, với một hệ thống bậc cao về an toàn bảo mật mà xảy ra vấn đề mất tiền ngày càng nhiều và mức độ nghiêm trọng thì việc cần làm là tìm ra các lỗ hổng hiện nay.
“Vấn đề đặt ra là lỗ hổng ở đâu và chúng ta tìm cách nào để bịt lại những lỗ hổng đó? Tất cả các doanh nghiệp, trong đó Ngân hàng cần phải xem xét lại hệ thống bức tường lửa đủ mạnh không để ngăn chặn tấn công của tin tặc. Thứ hai là phải xem xét lại trong cán bộ của mình có những thành phần nào cấu kết với tội phạm để thực hiện hành vi gian lận. Từ đó xem lại chương trình tập huấn đào tạo của mình về thông tin bảo mật đã đủ chưa”, TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Luật sư Phạm Thành Tài - Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh cho rằng, tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi để đánh lừa nạn nhân. Ngoài ra, ở những sự việc này cho thấy, có những lỗ hổng trong việc thực hiện công tác quản lý của các ngân hàng. Bởi thực tế có nhiều vụ việc nhân viên ngân hàng đã lợi dụng những lỗ hổng trong việc quản lý của ngân hàng và lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng để chiếm đoạt tài sản và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng. Ngoài ra, còn có nhiều vụ các đối tượng lừa đảo lợi dụng lỗ hổng trong bảo mật thông tin, trong hệ thống quản lý của ngân hàng để chiếm đoạt thông tin của khách hàng. Từ đó thì thực hiện việc chiếm quyền kiểm soát và chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Từ thực tế các vụ việc mất tiền đã xảy ra, theo chuyên gia an ninh mạng Đoàn Trung Sơn, những giải pháp công nghệ liên quan đến an toàn bảo mật hệ thống ngân hàng thực sự đã thất bại trước lòng tham của chính cán bộ lãnh đạo ngân hàng. Từ đó chính các ngân hàng cần xem xét trách nhiệm của mình thật thoả đáng trong câu chuyện này.
“Trong thời gian khách hàng và ngân hàng đang thực hiện hợp đồng gửi giữ tiền tài sản nhưng phía ngân hàng để mất tiền của khách hàng thì phía ngân hàng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, phải bồi thường cho khách hàng một cách kịp thời, tránh gây ảnh hưởng tới uy tín, không bao che nội bộ. Khi đó, Ngân hàng là nạn nhân trong vụ án hình sự. Trường hợp nếu Ngân hàng thoái khác không chịu trách nhiệm, không bồi thường cho khách hàng thì khách hàng có quyền khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu ngân hàng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại”, chuyên gia an ninh mạng Đoàn Trung Sơn khẳng định.
Trên thực tế, trong một số trường hợp cán bộ hoặc nhân viên của ngân hàng chiếm đoạt tiền gửi của khách do ngân hàng đã quản lý, giám sát không tốt song ngân hàng vẫn từ chối tư cách là nạn nhân/bị hại trong vụ án hình sự, "né tránh" trách nhiệm thanh toán tiền cho người gửi. Có ngân hàng còn gửi văn bản đề nghị tòa án không thụ lý đơn kiện đòi tài sản của khách hàng mà chờ khởi tố vụ án hình sự. Bằng cách này, ngân hàng “né” tư cách nạn nhân/bị hại, để cho rằng khách hàng là nạn nhân/bị hại, chờ phán quyết của tòa án với cán bộ, nhân viên của ngân hàng đã chiếm đoạt tiền còn mình chỉ là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần xem lại quy trình gửi tiền. Khi vay tiền ngân hàng luôn có hợp đồng bảo vệ chặt chẽ, nhưng ngược lại khi gửi tiền không có điều khoản nào bảo vệ quyền lợi. Khi tranh chấp, người gửi ở thế yếu, không có thông tin gì. Cơ quan quản lý cũng cần có giải pháp để tăng cường quyền lợi người gửi tiền, qua đó củng cố niềm tin của công chúng với hệ thống ngân hàng.
Còn về phía khách hàng, luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty luật Hồng Bách và cộng sự cho rằng, để bảo vệ khoản tiền gửi của mình tại các ngân hàng, khách hàng cần phải xác định các quyền và nghĩa vụ khi giao dịch cũng như khoản tiền gửi với các ngân hàng hay tổ chức tín dụng. Thứ hai, khách hàng cần giám sát đối với khoản tiền gửi, biến động số dư của tài khoản thông qua các ứng dụng ngân hàng. Khi thấy có những biến động bất thường cần phải kiểm tra ngay. Thứ ba, xác lập các giao dịch trên tài khoản thì cần phải giữ bảo mật.
Ngoài ra cũng cần tôn trọng, tuân thủ đầy đủ đúng quy trình giao dịch với ngân hàng. Phải kiểm tra kỹ nội dung giao dịch trước khi ký các giấy tờ và tuyệt đối không ký khống bất cứ giấy tờ gì kể cả khi được nhân viên ngân hàng yêu cầu. Đặc biệt không được chủ quan, dễ dãi, không giao dịch tắt ngang với nhân viên ngân hàng.
Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn, Công ty Luật Hồng Bách và cộng sự: