Theo quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013, “tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.”.

Tranh chấp đất đai bao gồm tranh chấp đất đai mà trên đất không có tài sản hoặc tranh chấp về quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất.

Nếu phân loại một cách tương đối thì tranh chấp đất đai gồm bốn nhóm chính sau:

1. Tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất hoặc tranh chấp về việc xác định ai là người có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất;

2. Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất hoặc thừa kế về nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất;

3. Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất hoặc chia tài sản chung là nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất

4. Tranh chấp liên quan đến các giao dịch về quyền sử dụng đất hoặc các giao dịch về nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất (như chuyển nhượng QSDĐ, chuyển đổi QSDĐ, cho thuê/cho thuê lại QSDĐ, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng QSDĐ,…).

Theo khoản 9 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự đối với: “Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai…”. Theo quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013 thì: “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”.

Tranh chấp đất đai bao gồm tranh chấp đất đai mà trên đất không có tài sản hoặc tranh chấp về quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất.

Các tranh chấp về đất đai và tranh chấp về quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất thường đan xen lẫn nhau. Thạc sỹ, luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty Luật Hồng Bách và cộng sự cho biết, theo quy định, đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất thì thủ tục hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp được xác định điều kiện bắt buộc để khởi kiện tại tòa án. Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì thủ tục hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.

Đối với từng giai đoạn, từng thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai, luật có quy định về thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai là khác nhau. Ví dụ như thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. Còn đối với quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án, thời hạn chuẩn bị xét xử tối đa là 06 tháng.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Bách, trước khi thực hiện các thủ tục khởi kiện tại cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến đất đai, người dân cần phải tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật liên quan đến nội dung vụ việc của mình (có thể tư vấn Luật sư, trợ giúp pháp lý), sau khi hiểu và nắm rõ các quy định và nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng mà đã sử dụng các biện pháp bảo vệ nhưng không hiệu quả thì có quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình và có nghĩa vụ đóng tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật. Người dân cần cân nhắc kỹ khả năng thắng kiện trước khi nộp đơn khởi kiện bởi tranh chấp đất đai thuộc các vụ án có giá ngạch, tiền án phí phải nộp được tính theo giá trị tài sản tranh chấp và sẽ do bên thua kiện nộp.

Mời quý vị nghe thạc sỹ, luật sư Nguyễn Hồng Bách cung cấp một số thông tin liên quan tới thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại đây: