Việt Nam chúng ta là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, biến đổi khí hậu, trung bình hàng năm có từ 5-10 cơn bão đổ bộ trực tiếp vào nước ta, gây thiệt hại cho nhiều tỉnh, thành phố, ảnh hướng tới hàng triệu người dân.

Xuất phát từ thực tế đó, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách để phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, như Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều năm 2020 và các Nghị định của Chính phủ: Nghị định 67/2007/NĐ-CP, Nghị định 13/2010/NĐ-CP, Nghị định 136/2013/NĐ-CP, Nghị định 20/2021/NĐ-CP và Nghị định 76/2024/NĐ-CP, trong đó đều Luật định và quy định về các chính sách cứu trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Bên cạnh đó, Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do 1 Phó Thủ tướng trực tiếp làm Trưởng ban, Lãnh đạo các Bộ, ngành địa phương làm thành viên.

Hàng năm, khi có thiên tai, Chính phủ có công điện khẩn, Chỉ thị, triệu tập các cuộc họp khẩn cấp, chỉ đạo trực tuyến đối với các Bộ, ngành, các địa phương nằm trong vùng bị thiên tai. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tham mưu đối với cấp uỷ, chính quyền địa phương về công tác phòng, chống và khắc phục thiên tai; thống kê rà soát; về nguồn kinh phí dự phòng; mức trợ cấp; phương án phòng chống và chỉ đạo khắc phục; kiểm tra khắc phục hậu quả.

Ông Phạm Ngọc Dũng, Trưởng phòng Chính sách trợ giúp xã hội, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, chính sách trợ giúp xã hội đột xuất được thực hiện trong và ngay sau khi thiên tai xảy ra, tập trung vào thực hiện hoạt động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và nhu yếu phẩm thiết yếu khác để ổn định đời sống của người dân.

Đối tượng được cứu trợ bao gồm cá nhân bị thương, hộ gia đình có người bị chết; hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở, không có lương thực, nước uống và nhu yếu phẩm khác có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng và sức khỏe, đặc biệt quan tâm tới đối tượng dễ bị tổn thương: trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng.

Điều kiện để đượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội đột xuất là cá nhân hoặc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng, bị thiệt hại về người hoặc tài sản, nhà cửa do thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn, tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng hoặc các lý do bất khả kháng khác.

Thực hiện Quyết định số 488/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/6/2016 về việc Phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” (Gọi tắt là Đề án 488), trong những năm qua, chính sách trợ giúp xã hội đột xuất đã có nhiều bước thay đổi, đột phá góp phần cải thiện đời sống của người dân có hoàn cảnh khó khăn, thể hiện bằng 2 Nghị định: Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 và Nghị định số 76/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có mấy điểm nổi bật như sau:

Thứ nhất, Nghị định quy định bổ sung một số nhóm đối tượng hưởng chính sách. Cụ thể: Người từ 75-80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn; trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn. Đồng thời, quy định tùy vào điều kiện kinh tế-xã hội tại địa phương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định bổ sung những đối tượng khó khăn trên địa bàn hưởng chính sách.

Thứ hai, nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 270.000 đồng/tháng lên 360.000 đồng/tháng từ 1/7/2021 và từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng từ 1/7/2024. Điều chỉnh hệ số tính mức cho đối tượng ở trong cơ sở trợ giúp xã hội với mức thấp nhất là hệ số 4. Các chế độ hỗ trợ chi phí mai táng, hỗ trợ sửa chữa nhà ở bị đổ, sập, trôi cháy do thiên tai, hỏa hoạn cũng được điều chỉnh tăng phù hợp.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng tạo cơ chế để các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức áp dụng trên địa bàn cao hơn mức tối thiểu tùy thuộc vào điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương.

Thứ ba, cải cách thủ tục hành chính theo hướng hợp nhất thủ tục hành chính, trong đó đã cắt giảm 5 thủ tục hành chính. Tạo thuận lợi để người dân đăng ký, kê khai thông tin hưởng chính sách. Đồng thời tạo điều kiện để các địa phương ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận đăng ký và giải quyết chính sách trực tuyến.

Với các điều khoản quy định về sự tham gia của các chủ thể xã hội đã giúp cho công tác trợ giúp đột xuất ở nước ta trong những năm gần đây đạt được nhiều kết quả thiết thực. Công tác chỉ đạo khắc phục được triển khai nhanh, kịp thời mỗi khi sự cố xảy ra. Nhiều địa phương, cán bộ làm rất tốt công tác tổ chức điều hành sự đóng góp của các nguồn lực xã hội. Huy động được sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội và cá nhân tham gia vào công tác cứu trợ.

Có thể nói, bên cạnh chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, trợ giúp xã hội còn bao gồm các chính sách trợ giúp trong trường hợp đột xuất để giúp người dân có điều kiện sinh hoạt tối thiểu và vượt qua hoàn cảnh khó khăn do các yếu tố bất khả kháng gây ra. Đây là chính sách có ý nghĩa quan trọng trong công tác an sinh xã hội nói chung của Đảng và Nhà nước ta.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với ông Phạm Ngọc Dũng, Trưởng phòng Chính sách trợ giúp xã hội, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: