Trong một vụ án dân sự, theo quy định, đương sự có thể tự mình trực tiếp tham gia hoặc vì lý do nào đó mà ủy quyền cho người khác tham gia thay mặt mình trong các trường hợp được Tòa án triệu tập. Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội cho biết: "Người đại diện của đương sự tham gia tố tụng dân sự là người thay mặt đương sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trước Tòa án."
Điều 85 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định, người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Ngoài ra, người đại diện trong tố tụng dân sự còn có thể do Tòa án chỉ định.
Người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật. Những người đại diện theo pháp luật của đương sự bao gồm: Cha, mẹ của con chưa thành niên; Người giám hộ của người được giám hộ; Người đứng đầu cơ quan, tổ chức; Chủ hộ gia đình và cá nhân, tổ chức khởi kiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Trong tố tụng dân sự, người được ủy quyền phải thực hiện đúng nội dung ủy quyền đồng thời cũng phải theo các quy định của pháp luật và được quy định cụ thể tại Điều 86 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015:
“ 1. Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự trong phạm vi mà mình đại diện.
2. Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền.”
Khác với tố tụng dân sự quy định cụ thể về người đại diện, trong tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay không có quy định về việc ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng hình sự. "Theo tinh thần của Bộ luật hình sự, việc quy định các chế tài xử lý là nhằm mục đích răn đe, giáo dục người có hành vi phạm tội. Do vậy, nếu như cho phép ủy quyền người khác nhận tội thay mình thì không thể hiện đúng bản chất, mục đích của việc ban hành Bộ luật Hình sự." - Luật sư Trần Xuân Tiền giải thích.
Luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty Luật Phúc Khánh Hưng cho biết, theo quy định, trong tố tụng hình sự, bị cáo phải trực tiếp tham gia, trừ khi tòa án xét xử vắng mặt bị cáo như vụ án vi phạm quy định đấu thầu và đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai và Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC). Tuy nhiên, trường hợp này rất ít khi xảy ra trong thực tiễn tố tụng hình sự.
Trong tố tụng hình sự, ngoài bị cáo, bị hại cũng không được ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng thay mình. Tuy nhiên, trong trường hợp bị hại chết, mất tích, bị mất năng hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bị hại quy định theo quy định tại khoản 5 Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, tức là ủy quyền giải quyết các vấn đề dân sự trong một vụ án hình sự.
- Bị cáo: là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử.
- Bị hại: là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do hành vi phạm tội gây ra hoặc đe dọa gây ra. Thể chất, tinh thần, tài sản của họ phải là đối tượng của tội phạm. Bị hại cũng có thể là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do hành vi phạm tội gây ra hoặc đe dọa gây ra; tài sản và uy tín của cơ quan, tổ chức đó phải là đối tượng của tội phạm.
- Nguyên đơn dân sự: là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
- Bị đơn dân sự: là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Tuy nhiên, trong một vụ án hình sự có thể có sự tham gia tố tụng của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Những người này có có thể ủy quyền cho người khác tham gia vụ án hình sự tương tự như việc ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ án dân sự.
Những người được ủy quyền này cũng phải đáp ứng những điều kiện nhất định của pháp luật. Về cơ bản, người đại diện ủy quyền sẽ căn cứ vào nội dung ủy quyền để thực hiện những phạm vi nội dung mà hai bên đã thống nhất trong quá trình tố tụng.
Liên quan tới việc cơ quan tố tụng từ chối chấp nhận đơn kháng cáo của luật sư kháng cáo bản án sơ thẩm thay cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các bị cáo đang bỏ trốn khác trong vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan, luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng đội phân tích: Điều 331 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định những chủ thể có quyền kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm gồm: Bị cáo, bị hại, người đại diện của bị cáo, bị hại; Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa… Do đó, người đại diện chỉ có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo quy định của Bộ luật này. Trường hợp bị cáo trên 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, sẽ không được ủy quyền cho người thân hoặc Luật sư làm kháng cáo. Sau thời hạn 15 ngày mà bị cáo không tự mình đến làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm thì bản án sơ thẩm xem như có hiệu lực thi hành.