Các đại biểu Quốc hội đồng tình với việc xây dự thảo Luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng, gồm: Khiển trách, xin lỗi bị hại, bồi thường thiệt hại, tham gia chương trình học tập, dạy nghề, tham gia điều trị và tư vấn tâm lý, thực hiện công việc phục vụ cộng đồng, cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới, hạn chế khung giờ đi lại, cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến phạm tội mới, giáo dục tại xã, phường, thị trấn, quản thúc tại gia đình, giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đề xuất, cần xây dựng thêm các quy định liên quan đến xử lý chuyển hướng, cũng như tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp để nâng cao năng lực áp dụng xử lý chuyển hướng. Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển các chương trình, dịch vụ tại cộng đồng giúp người chưa thành niên được xử lý chuyển hướng nhanh chóng hòa nhập xã hội và không tái phạm.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hữu Chính, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cho rằng nếu chỉ áp dụng biện pháp hình sự thì chưa cá thể hóa được, nắm rõ hết được tâm lý của một số bị cáo là người chưa thanh niên. Đại biểu khẳng định “Áp dụng 12 biên pháp này tôi cho là cần thiết, rất hợp lý phù hợp với nhân cách của người chưa thành niên phạm tội, có việc bị can bị cáo phạm tội rất ít nghiêm trọng mà chúng ta phân hóa cái này thì cực kỳ hay, thì tôi cho là rất cần thiết, khoa học đối với xã hội ta hiện nay”

Luật có 11 biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng để giám sát, và một biện pháp xử lý chuyển hướng tại trường giáo dưỡng là biện pháp rất tiến bộ để khắc phục thực trạng 6 năm thi hành Bộ luật Hình sự chỉ có 35 trường hợp người chưa thành niên được áp dụng biện pháp chuyển hướng.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng biện pháp xử lý chuyển hướng đáp ứng công ước quyền trẻ em và các chuẩn mực quốc tế khác về tư pháp người chưa thành niên mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, cần cân nhắc thêm về biện pháp xử lý chuyển hướng và điều kiện áp dụng để bảo đảm với biện pháp phòng ngừa giáo dục người chưa thành niên phạm tội nói riêng và phòng ngừa tội phạm nói chung trong xã hội, cũng như phù hợp với điều kiện thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Các đại biểu đều nhất trí cần quy định, lập luận chặt chẽ hơn, cụ thể hơn để quy định xử lý chuyển hướng sớm với tinh thần giảm hình phạt tù, mở rộng hình thức phạt tiền sao cho phù hợp, đồng thời quy định rõ hơn về thu hẹp các trường hợp tạm giam.

Một trong những vấn đề cũng được nhiều đại biểu tranh luận là tách vụ án hình sự có đối tượng phạm tội là người chưa thành niên và người đã thành niên để giải quyết độc lập. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng điều này chưa phù hợp. Một vụ án có rất nhiều tình tiết chứng cứ liên quan mật thiết với nhau và có giá trị chứng minh trong giải quyết vụ án. Vì vậy nếu có quy định cứng bắt buộc như Dự thảo thì sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết đúng đắn và toàn diện vụ án. Đại biểu đề nghị nên nghiên cứu quy định theo hướng mở: “Nếu vụ án có người chưa thành niên và người thành niên thì ưu tiên tách vụ án giải quyết độc lập nếu điều đó không gây khó khăn, cản trở trong quá trình giải quyết vụ án”.

Tình trạng tội phạm trẻ hóa đang có chiều hướng gia tăng, trong đó xuất hiện cả những hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, sơ bộ, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13 nghìn thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi. Tội phạm vị thành niên không chỉ có dấu hiệu gia tăng về số lượng mà mức độ, thủ đoạn phạm tội cũng diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi, độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa, hành vi ngày càng manh động.

Trước thực trạng này, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang đưa ra ý kiến, cần nâng cao hơn nữa vai trò của người làm công tác xã hội. Điều này sẽ đảm bảo quyền lợi của người chưa thành niên trong những hoàn cảnh hết sức đặc thù. Đặc biệt, cần phải huy động lực lượng làm công tác xã hội rộng lớn kể cả chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, kể cả kiêm nhiệm để hỗ trợ được hiệu quả cho người chưa thành niên.

Dự án Luật tư pháp dành cho người chưa thành niên đã thể hiện một bước tiến mới trong tư pháp đối với người chưa thành niên, bảo đảm quyền trẻ em và tương thích với tư pháp quốc tế. Đồng thời thể hiện tinh thần nhân văn của Đảng, Nhà nước với người chưa thành niên./.