Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là hành vi làm ra con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức giống với con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thật của cơ quan, tổ chức đó hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.

Ngay trong tháng 10, đã có những vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức bị khởi tố.

Ngày 18/10, Công an quận Nam Từ Liêm Hà Nội đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với đối tượng Nguyễn Văn Đông ở Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội để điều tra về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Trước đó, ngày 18/6/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận nhận được tin báo của Công ty TNHH T&Q về nội dung có 1 đối tượng đến Phòng Giao dịch Ngân hàng Viettinbank Nam Thăng Long để mở tài khoản nhưng sử dụng chữ ký, dấu công ty và dấu chức danh nghi là giả mạo, biên bản họp hội đồng thành viên cũng không đúng chữ ký và sai địa chỉ đăng ký của công ty nên đã làm đơn đề nghị Công an quận làm rõ. Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Nam Từ Liêm đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt đối tượng Nguyễn Văn Đông.

Cũng trong tháng 10, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”; “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; ra quyết định khởi tố bị can đối với 6 đối tượng về các tội danh trên.

Điều 341, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 đã quy định chi tiết về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Theo đó:

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm;

đ) Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Luật sư Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty Luật Hợp danh The Light cho biết căn cứ vào cấu thành tội phạm được quy định ở Điều 341, Bộ luật Hình sự 2015 người làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức dù không sử dụng cũng đã là vi hành vi phạm pháp luật, phải chịu trách nhiệm pháp lý và xử lý theo quy định của Điều 341. Bởi hành vi làm giả đã thỏa mãn cấu thành của điều luật.

Còn người mua giấy tờ, tài liệu giả về nhưng không sử dụng thì không vi phạm pháp luật. Phải sử dụng tài liệu, giấy tờ giả đó vào mục đích trái pháp luật mới được coi là phạm tội, nghĩa là những giấy tờ, tài liệu giả đó phải được sử dụng thông qua các giao dịch dân sự như đi học, đi làm, bổ nhiệm… và phải được cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận, quản lý thì mới là phạm tội.

Mời quý vị và các bạn cùng nghe toàn bộ cuộc trao đổi của phóng viên chương trình Cầm tay chỉ luật với luật sư Nguyễn Văn Hưng - Phó Giám đốc Công ty Luật hợp danh The Light về nội dung này: