Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng - VPB mới đây đã cảnh báo đối với khách hàng về các chiêu thức lừa đảo trợ cấp COVID-19. Theo đó, các đối tượng giả mạo email của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với nội dung “Công đoàn hỗ trợ tiền mặt cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID – 19” và đề nghị toàn thể cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp điền đầy đủ thông tin theo đường link có sẵn. Khi người dùng cung cấp các thông tin tài khoản cá nhân, hoặc click vào các đường link có chứa mã độc, kẻ gian sẽ xâm nhập hệ thống mạng doanh nghiệp đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Chiêu trò khác đó là giả mạo tin nhắn và website của Bộ Y tế. Kẻ gian gửi tin nhắn giả mạo với nội dung hướng dẫn hoàn tất thủ tục đăng ký xin trợ cấp kèm theo đường link dẫn đến website có giao diện giống website của Bộ Y tế. Tại đây, ở thao tác bấm thủ tục “đăng ký xin trợ cấp”, người dùng sẽ cần cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng (username, password, OTP)… Nếu người dùng làm theo hướng dẫn, kẻ gian sẽ đánh cắp toàn bộ thông tin nhằm chiếm đoạt tài sản

Cao tay hơn, các đối tượng còn dùng các “App” lừa đảo mạo danh đầu tư vaccine COVID-19, thiết bị y tế như khẩu trang, kính bảo hộ kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn tham gia. Khi “con mồi” sập bẫy thì “App” cũng sập theo và không thể rút lại tiền…

Có thể thấy, trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, nhiều người rơi vào tình cảnh thất nghiệp khó khăn trăm bề. Trong khi Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ dân nghèo thì nhiều kẻ gian đã sử dụng nhiều chiêu thức giả mạo, lừa đảo tinh vi, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Qua các diễn biến của các hành vi lừa đảo trong thời gian vừa qua tôi thấy các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, xảo quyệt chúng áp dụng công nghệ thông tin để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của bị hại với nhiều người và số tiền lớn.

Luật sư Nguyễn Hữu Toại – Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho biết: Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã nói rõ: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị phạt tù thấp nhất là 6 tháng cho tới tù Chung thân, tùy từng mức độ vi phạm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Không chỉ lừa người dân, nhiều đối tượng đã nhắm tới các cơ quan, tổ chức. Đặc biệt khi nhiều doanh nghiệp đang “gồng” mình để chống chọi với dịch COVID-19, thì vẫn có những đối tượng dùng các chiêu trò để lừa đảo. Thủ đoạn được các đối tượng sử dụng là gọi điện thoại thông báo cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn về việc Cục Thuế chuẩn bị tổ chức hội nghị tập huấn và thực hiện chi hỗ trợ cho các đơn vị bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 với số tiền 5 triệu đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh phải mua tài liệu tập huấn và thanh toán chuyển khoản trước cho đối tượng từ 1,5-2 triệu đồng. Luật sư Nguyễn Hữu Toại cho rằng, Hành vi mạo danh cơ quan nhà nước là tình tiết định khung quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 174 với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù. Đối với hành vi lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo sẽ bị xử phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Chính vì vậy, khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dân cần làm đơn tố giác tội phạm đến cơ quan Cảnh sát điều tra cấp quận huyện hoặc cơ quan cảnh sát điều tra cấp tỉnh hoặc Viện kiểm sát nhân dân cấp quận, huyện hoặc VKSND cấp tỉnh để các cơ quan tiến hành tố tụng xác minh tin báo, tin tố giác tội phạm theo quy định của pháp luật. Khi nhận được tin báo, tin tố giác tội phạm thì cơ quan cảnh sát điều tra sẽ tiến hành xác minh tin báo trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì có quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành thu thập chứng cứ, tài liệu, lấy lời khai, kết luận điều tra để chuyển cho viện kiểm sát truy tố ra tòa án để xét xử. Nếu trong giai đoạn điều tra mà người thực hiện hành vi phạm tội trả lại tiền cho bị hại thì có thể được xem xét là tình tiết giảm nhẹ. Nếu không trả thì Tòa án sẽ buộc các bị cáo bồi thường cho bị hại.

Mời quý vị và các bạn nghe trao đổi của phóng viên VOV2 với luật sư Nguyễn Hữu Toại - Công ty Luật TNHH Hừng Đông tại đây: