Nửa tháng trở lại đây, cả nước ta có ngày số bệnh nhân mắc Covid - 19 lên tới trên 8.000 người. Hiện tổng số ca mắc trong nước đã lên đến 200.000 ca với hơn 3.000 ca tử vong. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện được đẩy lên một cấp độ mới, đòi hỏi từ người dân đến các cấp, các ngành từ địa phương đến trung ương phải cùng chung tay vào cuộc.

Những kết quả từ sự nỗ lực của cả xã hội trong công tác phòng chống dịch Covid-19 có thể “đổ xuống sông, xuống biển”, và nguy cơ bùng phát dịch sẽ ở diện rộng nếu như vẫn còn những trường hợp thiếu ý thức và tinh thần trách nhiệm. Vẫn còn tình trạng người dân không chấp hành nghiêm, thậm chí là phớt lờ những khuyến cáo của ngành y tế, cố tình vi phạm các quy định như không tuân thủ quy định cách ly, tụ tập đông người, khai gian trong hồ sơ khai báo y tế, chống đối những người làm công tác phòng chống dịch.

Là quan chức thì được cho mình quyền bỏ qua quy định phòng chống dịch bệnh?

Chiều 04/8, Trung tâm Y tế TP. Quy Nhơn (Bình Định) có báo cáo nhanh về 4 trường hợp tiếp xúc gần với F0 là một nữ nhân viên sân golf. Những trường hợp này là ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Công Thành - Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Định và 2 người khác (làm việc tại 2 doanh nghiệp ở TP. Quy Nhơn).

Theo tường trình của 4 người này, từ ngày 31/7-1/8 đã chơi tại sân golf FLC Nhơn Lý (ở TP. Quy Nhơn). Tại đây, 4 người này có tiếp xúc gần với nhân viên sân golf là chị T.T.Q (hiện là F0, có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 3/8).

Điều đáng nói là từ ngày 1/8, tỉnh Bình Định đã có quyết định thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19 nhưng nhóm này vẫn chơi golf như chưa hề có quy định.

Tiếp đó, cộng đồng mạng "dậy sóng" trước việc ông Trần Vinh - Phó Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP. Đà Nẵng vung tay trúng vào mặt chị Phan Thị Loan (nhân viên Khoa Xét nghiệm TTYT Q.Sơn Trà) - người lấy mẫu xét nghiệm cho người dân và ông Vinh.

Sự việc ông Trần Vinh đánh chị Phan Thị Loan đều được tất cả nhân viên y tế đang tham gia lấy mẫu và người dân tại khu vực lấy mẫu chứng kiến. Ngay lập tức các nhân viên y tế đã báo cáo sự việc trên lên Ban Giám đốc đơn vị và Công an phường Nại Hiên Đông để xử lý.

Tại Công an phường Nại Hiên Đông, ông Trần Vinh tường trình, trong quá trình chờ lấy mẫu xét nghiệm, ông Vinh thấy KTV Loan lấy mẫu cho cháu bé lượt trước mình không kỹ, có vẻ sơ sài, qua loa nên ông Vinh có nhắc nhở. Đến lượt ông Vinh thì chị Loan dùng que lấy mẫu ngoáy 3,4 lần vào mũi khiến ông Vinh bị đau nên ông Vinh đã dùng tay hất tay chị Loan ra.

Tuy nhiên theo khẳng định của chị Loan thì ông Vinh đã dùng tay tát thẳng vào mặt chị Loan, vì lúc đó chị Loan đang đứng để lấy mẫu xét nghiệm, còn ông Vinh đang ngồi, nếu gạt tay thì không thể thẳng vào mặt chị như vậy, đây là hành động cố tình. Lúc đó chị Loan rất đau và bật khóc ngay lập tức.

Ông Trần Vinh đã gửi thư xin lỗi đến chị Loan và cũng gửi thư đến Ban giám đốc cùng đội ngũ y, bác sĩ Trung tâm Y tế Q.Sơn Trà và toàn thể cán bộ, y bác sĩ trên tuyến đầu phòng, chống dịch:

“Về sự việc đáng tiếc và không mong muốn xảy ra vừa qua, một lần nữa cho tôi được gửi lời xin lỗi chân thành nhất đến chị Loan, nhân viên Trung tâm Y tế Q.Sơn Trà. Trong bối cảnh TP.Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung đang căng mình chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là lực lượng y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch, bản thân tôi nhận thấy, là một công dân, đảng viên, công chức nhưng đã có hành động nóng nảy, bộc phát, thiếu kiềm chế là sai, không những làm tổn thương đến cá nhân chị Loan mà còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến các lực lượng đang ngày đêm trên tuyến đầu và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, bản thân đang ở trong khu vực cách ly y tế nên không thể trực tiếp đến gặp và gửi lời xin lỗi chị Loan, Ban giám đốc cùng tập thể y bác sĩ Trung tâm Y tế Q.Sơn Trà. Vì vậy, bằng thư này, với tất cả sự ăn năn và chân thành nhất của mình, bản thân xin gửi lời xin lỗi đến chị Loan, ban giám đốc, đội ngũ y, bác sĩ của Trung tâm Y tế Q.Sơn Trà cùng toàn thể cán bộ, y, bác sĩ trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, xin gửi lời xin lỗi đến các cấp lãnh đạo, các cơ quan và các lực lượng đang tập trung sức lực cho việc phòng, chống dịch bệnh của thành phố. Bản thân rất mong nhận được sự lượng thứ của tất cả mọi người”.

Nhiều ý kiến đã lên án hành động này và cho rằng, đã là những người cán bộ thì càng phải nên tuân thủ chấp hành quy định phòng chống dịch để làm gương, không nên lạm quyền như vậy.

Cán bộ y tế đã phải rất vất vả để có thể hoàn thành khối lượng công việc một ngày quá nhiều như vậy, chúng ta cần phải cảm thông cho họ. Đằng này là người cán bộ nhà nước, Phó chánh văn phòng Đoàn ĐBQH lại có hành động phản cảm như vậy.

Sau khi sự việc được thông tin rộng rãi, tại cơ quan công an ông Vinh cũng đã thừa nhận hành vi sai trái của mình và sau đó đã viết thư gửi lời xin lỗi đến chị Loan.

Đây cũng chỉ là một trong số ít sự việc thiếu hợp tác của một số cá nhân đối với những người làm công tác phòng chống dịch được đưa ra.

Chúng ta vẫn chưa quên những vụ chống đối người thi hành công vụ xảy ra trong các đợt chống dịch vừa qua. Như việc dùng hung khí tấn công lực lượng tuần tra chống dịch ở Bắc Giang phải đi nhập viện, hồi tháng 5.

Rồi sang tháng 6 thì lại có vụ hai thanh niên được yêu cầu phải đo thân nhiệt khi đi một qua chốt kiểm dịch tại tỉnh An Giang nên tỏ ra bực tức và rút dao chém cán bộ trực chốt. Tháng 7 vừa rồi, khi dịch đang căng thẳng, mỗi ngày có đến 8.000 ca mắc mới, rất nhiều tỉnh thành đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì liên tiếp các sự việc người dân không tuân thủ các quy định.

Nhiều người ngang nhiên chống đối, thách thức khi tổ công tác làm việc tại chốt kiểm dịch không cho thông chốt, như sự việc ở chốt kiểm dịch phường Yên Phụ, hay hình ảnh “ cường nữ” múa quyền, đá văng dép trước mặt cán bộ cảnh sát khi kiểm tra xe lưu thông trên địa bàn huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.

Gần đây tại Hà Nội, có nhóm đối tượng đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, đóng giả làm dân quân tự vệ để cưỡng đoạt tài sản của người dân khi tham gia giao thông. Nhóm đối tượng này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao vì thường xuyên di chuyển trên các địa bàn khác nhau đồng thời chiếm đoạt tài sản của người dân đi đường một cách trắng trợn. Đối với những hành vi này cần phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp cho rằng:

"Hành vi chống người thi hành công vụ không những ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của pháp luật mà còn ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe thậm chí là tính mạng của người thi hành công vụ. Đặc biệt hơn còn ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch bệnh gây an nguy cho cộng đồng. Dưới góc độ pháp lý thì đây là hành hành vi phạm pháp luật, sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 20, Nghị định 167 năm 2013 của Chính Phủ, hoặc là sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo BLHS 2015."

Theo luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty luật Hồng Bách và Cộng sự thì "Những hành vi vi phạm, chống đối có dấu hiệu tội phạm, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự; gây hoang mang, lo lắng, bất bình trong xã hội. Những hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 không chỉ đi ngược lại với mục đích bảo vệ tính mạng, sức khoẻ và sự an toàn của Nhân dân mà còn thể hiện thái độ coi thường phát luật. Tuy nhiên, cũng cần phải đánh giá từng người xem tại sao họ lại hành động như vậy, có thể có tình huống cấp bách thì có thể cảm thông nhưng nếu là cố ý chống đối, coi thường pháp luật thì cần phải chiểu theo luật pháp để áp dụng chế tài. Từ đó mới có tính răn đe và giáo dục."

Luật sư Hồng Bách cho biết, theo quy định tại Nghị định 167 năm 2013, người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có thể bị phạt tiền tối đa đến 5.000.000 đồng.

Ngoài ra, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Bộ luật Hình sự. Tòa án nhân dân tối cao cũng đã có hướng dẫn tại Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 về việc hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự.

Người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự.

Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tâm lý tội phạm học cho rằng: " Nguyên nhân sâu xa dẫn đến những hành vi chống đối lực lượng làm công tác phòng chống dịch là do ý nhận thức của nhiều người còn hạn chế, bên cạnh đó ý thức trách nhiệm với cộng đồng thấp. Thứ hai là sự coi thường pháp luật. Đây là hành động sai trái, vi phạm quy định về phòng chống dịch, ẩn chứa nhiều nguy cơ làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm."

Ý thức của người dân chính là lá chắn trong công tác phòng chống dịch. Các lực lượng làm công tác phòng chống dịch chỉ làm yếu tố kiểm soát để tăng cường cho tấm lá chắn cộng đồng đó. Nhưng vì một số lý do mà nhiều người đã bất chấp, bỏ qua những quy tắc tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng, điều này sẽ là lỗ hổng khiến cho tấm lá chắn đó bị suy giảm tác dụng. Họ cần được tiêm "vaccine ý thức".

Ý thức kém và sự nhờn luật cũng chỉ là một lý do được đưa ra. Phải luôn nghĩ rằng bảo vệ cho chính mình cũng là bảo vệ cho người thân và cộng đồng, xã hội.