PGS.TS.BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, hiện có 6 nhóm đồ uống đang thịnh hành, trong đó nước ngọt có ga từ vị trí đầu bảng đã bị “soán ngôi”. Nước uống đóng chai đã chiếm lĩnh thị trường lớn nhất với 242 tỷ lít mỗi năm. Tiếp đến là dòng nước ép trí cây đứng thứ 3, trà pha sẵn đứng thứ 4 và nước uống tăng lực, cà phê lần lượt xếp vị trí thứ 5 và 6.
Hiện chưa có số liệu về lượng tiêu thụ nước ngọt cụ thể ở trẻ em. Nhưng một vài nghiên cứu nhỏ cho thấy lượng tiêu thụ nước ngọt ở trẻ em cao hơn so với người trưởng thành.
Theo Ths.BS Bùi Thị Trà Vi - Khoa Dinh dưỡng và Tiết chế - BV Đại học Y Hà Nội, việc gia tăng một cách chóng mặt lượng tiêu thụ các loại đồ uống có đường hiện nay là rất đáng báo động.
“Trong 500ml nước ngọt chứa 35g chất tạo ngọt tự nhiên, trong khi khuyến cáo WH0 chỉ là 25g/ngày/người lớn. Như vậy, người Việt đang sử dụng quá mức cho phép”, bác sỹ Vi cảnh báo.
Hệ lụy gây ra của loại đồ uống này không hề "ngọt" chút nào. Nó khiến cho tỷ lệ tăng cân, béo phì trở nên tăng cao. Hiện tỷ lệ béo phì trẻ em thành thị đã ở mức 30%. Ngoài ra, độ tuổi mắc đái tháo đường typ 2 cũng ngày một trẻ hóa và một phần nguyên nhân là từ đồ uống có đường.
“Ăn 10 thì đường thì nhiều người không ăn được vì quá ngọt, nhưng uống 1 chai nước ngọt tức là tương đương với 10 thìa đường thì lại quá dễ dàng”, bác sỹ Vi minh chứng.
Gây hại cho cơ thể vì lượng đường quá lớn, các loại đồ uống có đường còn được cho là không giúp ích gì cho cơ thể. Bởi đồ uống có đường thường chỉ cung cấp đường và năng lượng, các chất dinh dưỡng như đạm, vitamin thì gần như không có nên còn gọi là năng lượng rỗng.
Hiện một số nhà sản xuất cho ra đời loại đồ uống sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo hay còn được gọi với cái tên là đồ uống zero calorie. Tuy nhiên, theo Ths.BS Bùi Thị Trà Vi, thì loại đồ uống này vẫn tác động đến hệ tim mạch, vẫn gây ra các bệnh bép phì, đái tháo đường, đó là còn chưa kể những tác hại về dài hạn vẫn còn chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Hiện đồ uống có đường ngày càng phong phú và giá thành rất rẻ, người dân dễ dàng tiếp cận. Chính vì vậy, theo BS Bùi Thị Trà Vi cần thiết phải có một số chính sách thặt chặt nguồn phân phối và tiêu thụ. Ngoài ra, nhà trường rồi các phụ huynh cũng cần nhận thức đúng về tác hại của loại đồ uống này và điều tiết sử dụng đúng liều lượng theo độ tuổi.
“Khuyến cáo của WHO lượng tiêu thụ đường của một người trưởng thành là 25g/ngày tương đương 300ml nước ngọt. Tuy nhiên, đường còn đến từ các thực phẩm khác như bánh kẹo, sữa chua… Vì vậy, người trưởng thành chỉ nên sử dụng 1 lon nước ngọt 1 tuần. Còn trẻ em dưới 3 tuổi tuyệt đối không được sử dụng. Trẻ trên 3 tuổi thì có thể sử dụng 150ml nước ngọt/tuần”, bác sỹ Vi khuyến nghị.