Dọc đường Lạc Long Quân (Hà Nội), các hàng quán cà phê vỉa hè tấp nập người ra vào. Nhưng không một ai đeo khẩu trang theo quy định.

Họ có 1001 lý do. "Dịch nó đang ở nước ngoài chứ có ở Việt Nam đâu mà lo", "Ở Hà Nội có ai bị nhiễm đâu mà sợ. Chả có gì phải lo hết"...

Khách hàng chủ quan một nhẽ nhưng ngay cả đến chủ cửa hàng cũng không tuân thủ đeo khẩu trang dù đã được công an phường nhắc nhở.

"Trước thì mình cũng có đeo khẩu trang nhưng mà đợt này thấy dịch ổn ổn nên không đeo nữa. Nhiều khi hàng quán đông cũng vội mà đeo khẩu trang lại vướng víu" - chủ một cửa hàng cà phê giải thích.

Không riêng gì các hàng quán mà ở các chợ cóc, chợ tạm, người dân cũng không còn khái niệm đeo khẩu trang để phòng dịch. Tại một chợ dân sinh ở đường Xuân La, Tây Hồ, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường như chưa hề có COVID-19 xuất hiện.

Một người bán hàng thịt còn cảm thấy khẩu trang như một vật thừa: "Khách đông thế này lấy hàng cho khách còn chả kịp, hơi đâu để ý mấy chuyện khẩu trang"

Dịch COVID-19 đã được khống chế nhưng không có nghĩa là dịch đã kết thúc hoàn toàn. COVID-19 có thể quay lại bất cứ lúc nào nếu mọi người vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là.

Một số nội dung các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cần chú ý thực hiện để phòng chống sự lây lan của dịch COVID-19:

-Người chế biến thức ăn, phục vụ ăn uống phải đeo khẩu trang khi chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn; những người có ít nhất một trong các triệu chứng ho, sốt, khó thở không được bố trí làm việc tại cơ sở.

- Khu vực chế biến thức ăn và khu vực ăn uống phải có nơi rửa tay, xà phòng, có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn.

- Có đủ thừng đựng rác thải, có nắp đậy và có lót túi.

- Đảm bảo khoảng cách giữa những người ăn uống.

- Đối với người ăn uống, yêu cầu phải rửa tay sạch bằng xà phòng, sử dụng dung dịch khử khuẩn bàn tay trước và sau khi ăn uống.

- Thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định.