Theo Hiệp hội phòng chống đái tháo đường thế giới, năm 2021 trên toàn cầu, cứ 10 người trưởng thành thì có hơn một người mắc bệnh đái tháo đường. Số liệu thống kê từ năm 2000 tới nay cho thấy tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở người từ 20-79 tuổi tới nay đã tăng hơn gấp ba lần và trong vòng 15 năm qua, chi phí về y tế cho bệnh đái tháo đường đã tăng lên gấp ba lần.

Hiện có khoảng 537 triệu người trưởng thành mắc bệnh đái tháo đường, tương ứng 10,5% dân số. Trong đó có hơn 6,7 triệu người tử vong do các nguyên nhân liên quan đến bệnh ĐTĐ. Điều đáng nói là có tới 240 triệu người mắc bệnh ĐTĐ không được chẩn đoán trên thế giới, nghĩa là khoảng gần một nửa người mắc ĐTĐ mà không mình mắc bệnh.

Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường cũng đang gia tăng nhanh. Bệnh không chỉ xuất hiện ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng... Trong số người trưởng thành tuổi từ 30-69, tỷ lệ mắc ĐTĐ là 2,7% vào năm 2002, nhưng đến năm 2020, tỷ lệ này đã tăng lên là 7,3%. Trong đó tỷ lệ ĐTĐ chưa được chẩn đoán là 62,6%.

Theo ước tính, hiện nay nước ta có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại bởi bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.