Các Bệnh viện ở Thủ đô không ngừng phát triển kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn và hạn chế chuyển lên tuyến trên.
Ngoài xây dựng hệ thống y tế phủ khắp các tuyến phường, xã, hiện tại 8 bệnh viện hạng 1 của Thủ đô đã triển khai được nhiều kỹ thuật chuyên sâu, trong đó có những kỹ thuật mang tầm quốc tế như kỹ thuật nội soi 1 lỗ điều trị nang ống mật chủ tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, điều trị suy tim tại Bệnh viện tim Hà Nội và phẫu thuật can thiệp bào thai tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội...
Riêng với kỹ thuật nội soi một lỗ, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn đã tạo được tiếng vang với bạn bè quốc tế khi điều trị thành công cho một bé gái 4 tuổi bị nang ống mật chủ, là con của một gia đình người Australia, sống tại Indonesia. Trước khi lên đường về nước ông Rob Warren - bố của bệnh nhi chia sẻ, ông rất khâm phục kinh nghiệm và chuyên môn của các bác sĩ đã điều trị thành công cho con mình.
“Chúng tôi rất hạnh phúc vì con hồi phục nhanh sau phẫu thuật. Lúc phát hiện ra bệnh của con, tôi đã tìm hiểu khắp đất nước Indonesia - nơi chúng tôi đang sống, rồi Singapore và nhiều nước Châu Âu nữa, qua nhiều nguồn thông tin và đọc báo cáo quốc tế của PGS.TS.BS Trần Ngọc Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi, BV Đa khoa Xanh Pôn, chúng tôi đã quyết định đến Việt Nam, thật khâm phục kinh nghiệm cũng như chuyên môn của bác sĩ” - ông Rob Warren nói.
Thêm một bước tiến của ngành y tế Thủ đô khi vào cuối tháng 9 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trở thành đơn vị y tế thứ 2 của Thủ đô ghi danh vào bản đồ ghép tạng của Việt Nam khi làm chủ được kỹ thuật ghép thận.
Mẹ con chị Ngô Thị Dinh và em Phạm Thanh Hân là 1 trong 3 cặp đầu tiên được các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thực hiện lấy, ghép thận thành công.
Chị Dinh cho biết, con chị bị viêm cầu thận từ năm 17 tuổi. Do tự tý ngừng thuốc điều trị trong thời gian xảy ra dịch Covid-19 nên Hân bị suy thận giai đoạn cuối và hơn 2 năm nay phải chạy thận tại Bệnh viện 354.
Do sức khỏe yếu ớt nên Hân thường xuyên phải đi cấp cứu. Một năm trở lại đây chị Dinh phải rời quê ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định lên Hà Nội làm thêm để kiếm tiền chăm con chạy thận. Khi biết tin Bệnh viện đa khoa Đức Giang sẽ triển khai ghép thận cho các ca cùng huyết thống mẹ con chị đã đăng ký ngay.
Khoảng hơn 2 tuần sau khi đăng ký, Phạm Thanh Hân đã được nhận thận từ chính người mẹ của mình. Sau khi ghép, sức khỏe của 2 mẹ con đều tiến triển tốt.
“Sau 14 ngày được ghép thận em thấy khỏe, người như được hồi sinh, trở lại cuộc sống bình thường” – cháu Phạm Thanh Hân cho biết.
TS.BS Nguyễn Văn Thường – Giám đốc Bệnh viện cho biết, sau thành công của những ca ghép đầu tiên này, bệnh viện sẽ đưa kỹ thuật ghép thận vào triển khai thường quy.
Theo thống kê, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có khoảng 4.000 bệnh nhân suy thận đang phải chạy thận nhân tạo. Do đó, TS.BS Nguyễn Đình Hưng - Phó GĐ Phụ trách Sở Y tế Hà Nội khẳng định, việc thêm một bệnh viện nữa ở Thủ đô thực hiện thành công kỹ thuật ghép thận sẽ từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cơ bản của người dân Thủ đô, hạn chế phải chuyển lên tuyến trên để điều trị.
Trao đổi với Phóng viên VOV2, TS.BS Nguyễn Đình Hưng thông tin thêm: Cùng với ghép thận, trong thời gian tới y tế Hà Nội sẽ tập trung phát triển các kỹ thuật chuyên sâu để đều trị các bệnh lý có nhiều người dân trên địa bàn thủ đô mắc phải.
“Ngoài kỹ thuật ghép tạng, các Bệnh viện Hà Nội còn thực hiện nhiều kỹ thuật chuyên sâu khác. Đối với xu hướng về can thiệp tối thiểu, có phẫu thuật cột sống cổ và thắt lưng – đây là kỹ thuật phức tạp, nhiều bệnh viện mổ thoát vị đĩa đệm, phẫu thuật ổ bụng chỉ bằng 1 lỗ 2mm, cắt tử cung qua đường âm đạo mà không có đường rạch. Ngoài ra, còn các can thiệp liên quan đến chẩn đoán hình ảnh như các sinh thiết cắt lớp vi tính để sinh thiết các tạng trong ổ bụng hoặc kỹ thuật giảm đau như tiêm diệt hạch, đám rối dương để giảm đau trong điều trị ung thư tụy, chạy ecmo tim phổi nhân tạo… Cơ bản những kỹ thuật này đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh kỹ thuật cao của người dân mà hạn chế được việc chuyển tuyến hoặc ra nước ngoài điều trị” - TS.BS Nguyễn Đình Hưng thông tin.
Các Bệnh viện thực hiện chuyển đổi số nhằm giảm tải các thủ tục hành chính, giảm áp lực cho cán bộ y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.
Con gái 1 tuổi của vợ chồng anh chị Nguyễn Văn Mạnh ở phố Phúc Tân, Hà Nội bị sốt. Sau khi uống thuốc hạ sốt ở nhà không khỏi, anh chị quyết định đưa con đến Bệnh viện đa khoa Xanh-Pôn để khám. Việc đầu tiên là anh vào app Bệnh viện đa khoa Xanh - Pôn để đăng ký cho con khám. Đúng 8h00 sáng hôm nay, 2 bố con đã mặt ở phòng khám, anh đọc tên bé đã đăng ký khám liền được nhân viên y tế đứng trực hướng dẫn đến phòng bác sĩ.
Sau khi khám, bác sĩ chỉ định con gái anh cần làm thêm xét nghiệm máu để loại trừ. Trong thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm, anh đưa bé về nhà còn bản thân tranh thủ giải quyết một số công việc cá nhân. Anh Mạnh cho biết: Khi nào có kết quả xét nghiệm sẽ ngay lập tức có thông báo trên phần mềm app Xanh Pôn.vn, lúc đó anh quay trở lại gặp bác sĩ cũng không muộn, phần mềm này giúp anh đỡ mất thời gian chờ đợi lâu.
“Con ốm đau hay đến Bệnh viện Xanh - Pôn, mở app ra vào đúng giao diện của nó rồi đăng ký. Thấy giao diện khá trực quan. Trong thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm máu, tôi tranh thủ làm việc, kiểm tra app liên tục, nếu có kết quả thì sẽ hiện ra ngay kèm với đơn thuốc của bác sĩ. Lúc đó tôi quay lại gặp bác sĩ tư vấn” – Anh Nguyễn Văn Mạnh cho biết.
TS.BS Nguyễn Thị Thúy Hằng – Trưởng khoa khám chữa bệnh Bệnh viện đa khoa Xanh - Pôn cho biết, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.500 – 3.300 bệnh nhân đến khám. Nếu như trước đây, bệnh nhân sẽ xếp hàng lấy số rồi xuất trình các loại giấy tờ và khai báo thông tin…để nhân viên y tế nhập vào máy như trước kia mà hiện nay, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện đa khoa Xanh- Pôn đã có thể tự đăng ký khám bệnh qua app, hoặc qua những ki - ốt tự phục vụ. Với cách làm này, Bệnh viện tránh được việc bệnh nhân xếp hàng quá đông mà còn rút ngắn thời gian khám bệnh cho họ.
“Chúng tôi có hẹn giờ khám, ví dụ là 7h30 khám thì bệnh nhân đến trước khoảng 30 phút, tránh quá tải trước cửa phòng khám. Còn ở trong phòng khám thi chúng tôi phân luồng, nếu người bệnh đến khám cần làm xét nghiệm thì đến vào buổi sáng, nếu lấy thuốc thì đến vào buổi chiều để tránh chồng chéo.. Tại phòng khám chúng tôi triển khai bệnh án điện tử nên khi bệnh nhân đến khám thì các bác sĩ đã nắm được những thông tin này trên máy hết rồi, nếu có phát sinh thì chúng tôi cho làm thêm xét nghiệm hoặc bn cần phải giải quyết gì thì giải quyết luôn. Tất cả quy trình khảm chỉ mất 3 tiếng đồng hồ là bệnh nhân đã ra về rồi” - TS.BS Nguyễn Thị Thúy Hằng cho biết.
Hòa chung vào công cuộc chuyển đổi số của ngành y tế, thời gian qua, các cơ sở y tế ở tuyến huyện của Thủ đô cũng đang nỗ lực chuyển mình nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. BS Hoàng Lưu Sa – Phó Giám đốc TTYT huyện Sóc Sơn cho biết: Hiện Trung tâm đang triển khai quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn huyện bằng hồ sơ sức khỏe điện tử. Bên cạnh đó, các phòng khám thuộc Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn đang thực hiện thu viện phí không dùng tiền mặt, sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip hoặc các ứng dụng VNeID, VssID thay thế cho thẻ BHYT giấy, kê đơn thuốc điện tử, chữ ký điện tử… trong quá trình đón tiếp, khám và điều trị cho người bệnh.
“Từ khi đưa công nghệ thông tin vào thì công tác quản lý thuận lợi, quản lý đến từng người dân trên địa bàn, thậm chí có thể quản lý từng viên thuốc trong kho, vật tư tiêu hao. Liên quan đến khám chữa bệnh BHYT, nếu bệnh nhân đi khám nhiều lần, sáng khám 1 nơi, chiều khám một nơi thì sẽ phát hiện ra ngay để ngăn chặn kịp thời” - bn khám cb nhiều lần sáng khám 1 nơi, chiều khám nơi, để phát hiện và ngăn chặn kịp thời” - BS Hoàng Lưu Sa – Phó Giám đốc TTYT huyện Sóc Sơn nhận định.
Ứng dụng CNTT còn giúp cho các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ bệnh viện, cơ sở y tế tuyến dưới trong chẩn đoán và điều trị bệnh, cùng xử trí cấp cứu, cùng tham gia phẫu thuật rút ngắn khoảng cách về địa lý mang chất lượng dịch vụ y tế đến người dân một cách hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất.
Để đáp ứng tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân thủ đô trong tình hình mới, theo TS.BS Nguyễn Đình Hưng - Phó GĐ Phụ trách Sở Y tế Hà Nội, hiện nay ngành y tế Hà Nội đã và đang triển khai các giải pháp tổng thể nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tất cả các tuyến. Từng bước hiện đại hóa hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện, triển khai hệ thống Telemedicine giữa các đơn vị trong ngành và từng bước xây dựng hệ thống y tế thông minh tại các tuyến với mục tiêu để người dân Thủ đô được phục vụ, chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất.
“Thời gian tới, Thành phố tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, xem xét tăng thu nhập cho y tế cơ sở, hỗ trợ phát triển y học gia đình, cấp cứu 115. Sở y tế Hà Nội đã đề xuất và được thành ủy thông qua đề án nâng cao chất lượng khám chữa bệnh từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Trong đề án, chúng tôi có nhiều tham vọng như xây dựng củng cố hoàn thiện tiếp cơ sở hạ tầng, cơ sở khám chữa bệnh, tăng cường đầu tư thiết bị y tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tiếp cận những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới… đưa chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất cho người dân” – TS.BS Nguyễn Đình Hưng cho biết.
Xin mời nghe chương trình tại đây: