Trong số 30 ca mắc mới được Bộ Y tế công bố lúc 18h chiều nay Hải Dương có 18 ca, Quảng Ninh: 8; Hà Nội 1, Gia Lai: 3.

Nhiều tỉnh còn chậm, lúng túng trong công tác truy vết, xét nghiệm

Trong số 8 tỉnh có dịch, cho đến thời điểm có thể tạm yên tâm về năng lực truy vết, xét nghiệm của các tỉnh Hải Dương, Hà nội và TP HCM. Một số tỉnh còn lại vẫn còn nhiều lúng túng, đặc biệt 2 tỉnh lần đầu tiên có bệnh nhân Covid-19 là Bình Dương và Gia Lai.

Đối với tỉnh Bình Dương, theo báo cáo hiện đã ghi nhận 4 trường hợp mắc Covid-19, tỉnh cũng đã thần tốc truy vết cách ly đối với 670 người, tuy nhiên hiện Bình Dương chưa chủ động thực hiện được xét nghiệm, vẫn phải gửi mẫu về viện Paster TP HCM khiến tốc độ xét nghiệm bị hạn chế, chưa nói đến nguy cơ lây nhiễm trong quá trình vận chuyển mẫu.

Đối với tỉnh Gia Lai, các chuyên gia đánh giá đây là tỉnh có nguy cơ lây nhiễm cao nhất bởi vì ca đầu tiên đã xuất hiện từ ngày 18/1, đến nay đã qua 14 ngày. Với chu kỳ lây nhiễm 3-4 ngày/lần thì đã qua 3-4 chu kỳ, nhưng vì lần đầu tiên có bệnh nhân nên Gia Lai chưa có kinh nghiệm điều tra truy vết, trong khi dịch hiện xảy ra tại 4 huyện miền núi, người dân không tự nguyện khai báo khiến cho việc thu thập thông tin, truy vết, cách ly và xét nghiệm gặp rất nhiều khó khăn.

Ngày hôm qua (1/2), sau khi phát hiện 1 bệnh nhân dương tính đã từng đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Gia Lai đã tiến hành phong tỏa toàn bệnh viện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tại cuộc họp đây là điều chưa cần thiết, chỉ phong tỏa đối với những khoa bệnh nhân đã từng đến.

80% bệnh nhân không có triệu chứng

Thông tin tại cuộc họp PGS.TS Lương Ngọc Khuê-Phó Trưởng Tiểu Ban điều trị Ban chỉ đạo quốc gia phòng dịch Covid-19 cho biết, qua phân tích 240 trường hợp mắc mới có tới 80% các ca bệnh không có triệu chứng. Đây là một thách thức trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt là đối với việc kiểm soát nguồn lây tại bệnh viện. “Đề nghị các bệnh viện thiết lập lại quy định khai thác tiền sử tất cả các bệnh nhân đến khám – đặc biệt tại các khoa trọng điểm như Khoa Khám bệnh, Khoa cấp cứu” – Ông Khuê nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết, từ khi có dịch Covid-19 đến nay Bộ đã quy định các bệnh viện phải khai thác tiền sử bệnh nhân đến khám. Tuy nhiên qua thực tế ông nhận thấy các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện việc này chưa nghiêm.

Các văn bản chỉ đạo đã có đầy đủ nhưng có nơi triển khai tốt, có nơi lúng túng. Yếu là ở khâu tổ chức thực hiện” – Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Các địa phương phải thay đổi chiến thuật, phải nhanh hơn

Nhận định về các biện pháp triển khai trong công tác phòng chống dịch thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, mặc dù tất cả các địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng virus lần này có tốc độ lây nhiễm tăng 70% so với những lần trước, phần lớn các ca bệnh đều không có triệu chứng do đó các địa phương phải thay đổi chiến thuật, phải nâng cao hơn 1 mức và phải đẩy nhanh hơn 1 mức trong công tác phòng chống dịch.

Vấn đề thứ 2 là phải tăng công suất xét nghiệm. “Nếu xét nghiệm chậm là có thêm ca mắc mới”-Bộ Trưởng nhấn mạnh.

Với những tỉnh hiện đang gặp khó khăn về công tác truy vết, xét nghiệm Bộ Y tế sẽ ngay lập tức hỗ trợ trang thiết bị (nếu thiếu) và cử các chuyên gia đến hỗ trợ trực tiếp.

Bộ Trưởng cũng khuyến cáo người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang tại tất cả các thành phố, hạn chế tối đa các sự kiện tập trung đông người tại các phòng kín và cài đặt ứng dụng khai báo y tế.