Bệnh nhân nam, 67 tuổi, có tiền sử đái tháo đường type II không điều trị thường xuyên. Trước khi vào viện 3 ngày bệnh nhân có biểu hiện đau rát họng, nuốt vướng, sưng nóng đỏ đau vùng trước cổ.

Bệnh nhân đến viện trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng, bắt đầu xuất hiện khó thở, thành họng bên phải sưng phồng, sung huyết, ứ đọng nhiều đờm dãi.

Sau khi siêu âm bác sĩ phát hiện bệnh nhân có ổ áp xe trước khí quản lan vào thuỳ phải và mặt sau eo giáp kích thước 29x25x50mm. Hình ảnh cắt lớp vi tính cho thấy ổ áp xe kéo dài từ hố Rosenmuller phải xuống đến phần sau sụn nhẫn – giáp, trước cột sống ngang mức C5 kích thước 16x46x81mm.

Bệnh nhân đã được kíp bác sĩ khoa Tai-Mũi-Họng, Ngoại lồng ngực, Gây mê hồi sức kết hợp mổ cấp cứu dẫn lưu cổ bên và thành họng, tránh gây biến chứng chèn ép đường thở và áp xe lan toả xuống trung thất. Sau mổ người bệnh được điều trị phối hợp kháng sinh tích cực kèm theo chăm sóc hốc mổ hàng ngày. Sau 2 tuần nằm viện, toàn trạng của người bệnh cũng như tình trạng nhiễm trùng tại chỗ đã được điều trị ổn định và có thể ra viện.

Bs Nguyễn Việt Hưng, Khoa Tai-Mũi-Họng, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, nhiễm trùng cổ sâu là bệnh lý nhiễm trùng của các khoang sâu vùng đầu mặt cổ. Nhiễm trùng xảy ra khi những khoang này bị vi khuẩn xâm nhập, do tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài, hoặc gián tiếp qua đường mạch máu, hạch bạch huyết, thường có sự phối hợp của cả vi khuẩn hiếu khí và kỵ khí. Sau đó quá trình viêm hoá mủ sẽ xuất hiện và lan tràn sang các khoang vùng cổ khác vì các khoang này có bản chất rất lỏng lẻo, thông thương với nhau dễ dàng, không có khả năng co lại và khoanh vùng ổ viêm.

Bác sĩ Hưng khuyến cáo người dân nên có lối sống lành mạnh, tăng cường sức đề kháng, giữ vệ sinh răng miệng, mũi họng, chủ động đi khám điều trị sớm các viêm nhiễm, tổn thương vùng cổ, họng, răng, miệng, theo dõi sức khoẻ định kỳ để phát hiện và kiểm soát các bệnh toàn thân có nguy cơ cao.