Chiều 21/9, tiến sĩ Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho biết đã nhận được kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang. Trong 12 mẫu lấy trong ngày 11 và 12/9 gửi đi, có 7 mẫu bị nhiễm khuẩn Bacillus cereus và Salmonella. Tuy nhiên, Sở Y tế chưa đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân vụ ngộ độc.
Vi khuẩn Bacillus cereus có trong mẫu chả heo; rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo; xíu mại. Còn Salmonella xuất hiện trong thịt heo xíu; rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo và xíu mại.
Salmonella và Bacillus cereus là hai độc tố hàng đầu gây bệnh đường tiêu hóa, dấu hiệu khởi phát gồm sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy. Nếu không điều trị kịp thời, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong do mất nước.
Vi khuẩn Salmonella có thể tồn tại trong nước từ hai đến ba tuần, ở trong phân từ hai đến ba tháng, bị tiêu diệt ở 100 độ C trong vòng 5 phút, hoặc chất sát khuẩn thông thường. Còn Bacillus cereus phổ biến trong môi trường, phân, đất nên dễ bị nhiễm vào thực phẩm. Khuẩn này có khả năng tồn tại ở dạng bào tử và đề kháng với nhiệt cao.
Con đường lây truyền vi khuẩn chủ yếu qua món ăn không nấu chín hoặc trong quá trình chế biến thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Điều kiện vệ sinh môi trường kém, nguồn nước không đảm bảo, hệ thống thoát nước không đạt chuẩn... cũng là nguồn lây bệnh.
Sáng 21/9, đại diện Sở Y tế Quảng Nam, cho biết 150 người bị ngộ độc đã xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh.
Hôm 11/9, khoảng 1.900 người đã mua và ăn bánh mì từ tiệm Phượng. Trong vòng 16 giờ sau, 150 người bao gồm 33 khách nước ngoài xuất hiện các triệu chứng ngộ độc gồm sốt cao, đau bụng, đau đầu, đi ngoài... Bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế ở TP. Hội An, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) và TP. Đà Nẵng.
Thức ăn nghi ngờ nhiễm khuẩn là bánh mì pa tê, thịt xíu gồm thịt và nước, xíu mại, rau răm, rau húng, hành, xà lách, sốt trứng gà tươi, dưa leo, đu đủ chua, chả heo... Tất cả đã được lấy mẫu để xét nghiệm, trừ sốt trứng gà tươi và bánh mì, do hai thực phẩm này bán hết trong ngày.
Bà Trương Thị Phượng, 60 tuổi, chủ bánh mì Phượng, nói hoạt động của tiệm hôm 11/9 (ngày bắt đầu xảy ra vụ ngộ độc) bình thường như 34 năm qua. Toàn bộ quy trình nhập nguyên liệu, chế biến, bán hàng được bà Phượng giám sát mỗi ngày; thực phẩm mua từ các mối quen.
Bánh mì Phượng là một trong những cơ sở ăn uống thu hút du khách, trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ ở Hội An, theo truyền thông quốc tế. Hiện tiệm dừng hoạt động cho đến khi có kết luận của cơ quan chức năng.
Chủ cơ sở sản xuất bánh mì Phượng (số 2B Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP. Hội An) đã có thư xin lỗi gửi đến khách hàng, thư cũng đăng trên fanpage của tiệm bánh mì Phượng, trên trang Facebook cá nhân của chủ cơ sở.