Triển khai bệnh án điện tử là xu hướng tất yếu

5 năm trước thuật ngữ “hồ sơ bệnh án điện tử” còn khá xa lạ với nhiều người, kể cả cán bộ y tế. Nhưng hiện nay việc triển khai quản lý sức khỏe thông qua các dữ liệu được lưu trong bệnh án điện tử đã trở thành một xu hướng phát triển tất yếu tại nhiều cơ sở y tế trên cả nước.

Bệnh án điện tử đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân và các cơ sở y tế. Quan trọng hơn, đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, từng bước hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết 20 về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Chỉ sau 1 vài thao tác trên bàn phím, tất cả thông tin về quá trình điều trị của bệnh nhân đều được hiển thị trên màn hình máy tính của TS.BS Nguyễn Thị Thúy Hằng – Trưởng khoa Khám chữa bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Bác sĩ Hằng cho biết, Khoa đang theo dõi, quản lý sức khỏe cho hơn 6.000 bệnh nhân tăng huyết áp, 3.000 BN đái tháo đường và bệnh nhân mắc viêm gan B, bệnh hen...

"Khi bệnh nhân đến khám thông tin về quá trình điều trị, các thuốc đang dùng đều được hiển thị trên máy, rất thuận lợi, thời gian khám bệnh cũng giảm so với trước và bản thân người bệnh cũng tự theo dõi được quá trình điều trị của mình" - bác sĩ Hằng cho biết.

Cũng theo TS.BS Nguyễn Thị Thúy Hằng, không chỉ rút ngắn thời gian khám chữa bệnh, quan trọng hơn, hồ sơ bệnh án điện tử còn giúp các bác sĩ quản lý, theo dõi bệnh nhân tốt hơn – đặc biệt với những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính.

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang hiện cũng đang quản lý 13 nghìn bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, thông tin bệnh nhân được lưu trữ một cách chi tiết và có hệ thống. Bác sĩ Phạm Thị Thảo-Phó Trưởng khoa khám bệnh cho biết, bệnh án điện tử hỗ trợ rất tốt đối với bệnh nhân đang điều trị bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp…

"Khi bệnh nhân được khám thường xuyên liên tục thì sẽ phát hiện sớm các biến chứng về tim mạch, tiểu đường, từ đó kiểm soát tốt các biến chứng... Từ khi triển khai đến nay tỷ lệ bệnh nhân mạn tính nhập viện thấp hơn nhiều so với trước kia" - theo BS Phạm Thị Thảo.

Có thể khẳng định, việc triển khai bệnhán điện tử là một bước đột phá trong thực hiện chuyển đổi số của ngành y tế. Bệnh án điện tử đã làm thay đổi thói quen, nề nếp làm việc truyền thống sang quy trình làm việc khoa học hơn, cung cấp thông tin, dữ liệu lâm sàng nhanh chóng, kịp thời giữa các cơ sở khám chữa bệnh, giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Đặc biệt, việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử đã giúp tiết kiệm được chi phí các kho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy. Chỉ tính riêng việc không in phim đã giúp tiết kiệm cho bệnh viện và người bệnh hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Nhiều vướng mắc trong triển khai

Qua 5 năm triển khai bệnh án điện tử, Bộ Y tế đã ban hành được một số văn bản mang tính đột phá, là hành lang pháp lý để các cơ sở y tế triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Có thể kể đến như, thông tư số 54 về "ban hành bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh", "thông tư số 46 về việc quy định hồ sơ bệnh án điện tử". Trên thực tế đã có một số tỉnh triển khai rất tốt bệnh án điện tử như Phú Thọ, Quảng Ninh...

Tuy nhiên, theo lộ trình của thông tư 46, đến hết năm 2023 - 135 bệnh viện hạng 1 phải triển khai bệnh án điện tử. Nhưng theo Bộ Y tế, đến nay cả nước mới có 94 cơ sở khám chữa bệnh công bố đã triển khai bệnh án điện tử, đạt tỷ lệ trên 20%. PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội tin học y tế đánh giá, việc triển khai Thông tư 46 còn nhiều bất cập, khó khăn dẫn đến việc chậm triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở y tế.

Theo PGS.TS Trần Quý Tường, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng ông nhấn mạnh, nguyên nhân đầu tiên là do giám đốc nhiều bệnh viện chưa quyết liệt. Bởi triển khai bệnh án điện tử sẽ thay đổi hoàn toàn thói quen nề nếp làm việc, từ truyền thống sang làm việc một cách khoa học, chặt chẽ nên đòi hỏi phải có sự quyết liệt của lãnh đạo, sự hưởng ứng của toàn thể cán bộ nhân viên bệnh viện mới có thể thành công. Một lý do quan trọng nữa là điểm nghẽn về cơ chế tài chính.

"Ở nước ta hơn 80% là bệnh viện công, sử dụng ngân sách Nhà nước để hoạt động, mà đã dùng ngân sách thì phải có hướng dẫn cơ chế tài chính, nhưng chúng ta chưa có cơ chế tài chính cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế nói chung và triển khai bệnh án điện tử nói riêng" - PGS.TS Trần Quý Tường cho biết.

Để giải quyết những khó khăn này, đẩy nhanh triển khai bệnh án điện tử trên cả nước, PGS.TS Trần Quý Tường cho rằng, Bộ Y tế cần phải quyết liệt hơn.

"Vừa rồi Hội tin học Y tế, Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) và BHXH Việt Nam tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai bệnh án điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt ở các cơ sở khám, chữa bệnh, mời 320 đại biểu nhưng có hơn 1.000 đại biểu tham dự. Điều đó chứng tỏ các cơ sở khám chữa bệnh rất quan tâm đến vấn đề này. Nhưng 3 năm nay Bộ không tổ chức hội nghị nào về triển khai bệnh án điện tử" - PGS.TS Trần Quý Tường thông tin.

Một vấn đề nữa là cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, đặc biệt cần sớm ban hành khung quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh, trong đó có quy định về chi phí cho công nghệ thông tin. Bên cạnh đó "có chế tài đối với những đơn vị không thực hiện và cơ chế động viên đối với những đơn vị làm tốt" - PGS.TS Trần Quý Tường đề xuất.

Mời nghe bài viết tại đây: