Các bệnh về da thường xuất hiện và trở nặng trong mùa xuân
Giai đoạn này, Bệnh viện Da liễu Trung ương đón tiếp khá nhiều bệnh nhân đến khám các bệnh về da, trong đó có không ít trẻ nhỏ. Chị Mai Chi- sống tại phường Bách Khoa- quận Hai Bà Trưng, HN đưa con gái 5 tuổi đến khám. Tình trạng của bé khá nặng dù bé mới xuất viện trước đó chưa lâu vì bệnh viêm da cơ địa.
“Lần trước nằm viện 6 ngày rồi em xin cho bạn ý về vì bạn ý cũng đỡ hẳn rồi. Sau 2 hôm thì bạn ý lại sốt, em cứ tưởng sốt do da thì em lại chữa viêm da nhưng xét nghiệm xong thì hóa ra sốt do cúm sau cúm thì lại phát bệnh da như thế này. Hiện tại cúm vẫn chưa khỏi vẫn còn hơi sốt mà trong quá trình bị cúm thì lại bị viêm da luôn”- chị Chi nói.
Do tình trạng viêm da quá nặng, các bác sĩ phải chỉ định cho bé nhập viện ngay để điều trị.
Tại khu nội trú, các bé bị viêm da do thời tiết cũng đang phải tích cực điều trị để giảm bớt các triệu chứng khó chịu và tình trạng nhiễm khuẩn do các bé gãi và chà xát nhiều. Chị Nguyễn Phạm Trúc Ly hiện sống tại tỉnh Hà Tĩnh đã phải đưa con trai 1 tuổi ra Hà Nội chữa bệnh.
“ Tình trạng của bé BS nói là bị viêm da và có dấu hiệu nhiễm khuẩn vì chỗ viêm da bị sưng nề lên bắt buộc phải nhập viện ở nhà mình không biết cách chăm sóc nên phải nhập viện theo dõi”- chị Ly lo lắng.
Trước đây, gia đình chị Ly sống tại miền Nam, sau khi sinh con trai được 3 tháng, da của bé xuất hiện một số bất thường nhưng các bác sĩ bảo bệnh viêm da của bé rất nhẹ. Tuy nhiên, sau khi gia đình chuyển về sống tại Hà Tĩnh, căn bệnh của bé thực sự trở nặng.
“ Da của con em 99% là do thời tiết, hôm nào nắng đẹp là da láng mịn còn hôm nào lạnh là có vấn đề liền. Phần da tổn thương sẽ sưng dầy và đỏ ửng lên, bé sẽ gãi đến toạc hết máu, việc gãi không dừng lại được mặc dù đi tất thì máu vẫn cứ chảy qua tất luôn. Nặng lắm, em cũng cho đi khám nhiều nhưng không cải thiện. Ở nhà thường em cho con dùng thuốc kháng khuẩn, tránh vùng tổn thương, dưỡng ẩm nhưng em thấy vẫn không đủ nên em phải cho ra Hà Nội”- chị Ly chia sẻ.
Sau 4 ngày điều trị nội trú, tình trạng viêm da của bé Long con trai chị Ly đã được đẩy lùi. Mẹ bé rất vui khi được bác sĩ khám và thông báo con sẽ được ra viện sớm hơn dự kiến.

Theo BSCKII Nguyễn Thị Thanh Thùy- Trưởng khoa Điều trị bệnh da Phụ nữ và trẻ em- BV Da liễu TƯ, mùa xuân làn da nhạy cảm và mỏng manh của các bé rất dễ gặp phải những vấn đề bất lợi do yếu tố thời tiết, trong đó phải kể đến là các bệnh da mùa xuân.
“Bệnh da ở trẻ nhỏ có xu hướng nặng lên hoặc xuất hiện vào mùa xuân. Mùa xuân, điều kiện thời tiết thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm thất thường làm cho da bị khô và hay bị kích ứng. Đồng thời vào mùa xuân, tia nắng mặt trời có nhiều tia UV hơn làm cho làn da trẻ em dễ bị tổn thương. Thêm nữa, mùa xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc, có nhiều loại hoa mà phấn hoa là nguyên nhân có thể gây dị ứng và làm cho bệnh nặng lên. Trong đó phải kể đến các bệnh dị ứng nặng do tiếp xúc hoặc mày đay. Mùa xuân thời tiết ẩm nồm cũng là điều kiện thuận lợi để virus phát triển tấn công vào hệ miễn dịch chưa được hoàn chỉnh của trẻ nhỏ”- BS Thanh Thùy lý giải.
Điều trị các bệnh da mùa xuân có khỏi hoàn toàn?
BSCKII Nguyễn Thị Thanh Thùy- Trưởng khoa Điều trị bệnh da Phụ nữ và trẻ em- BV Da liễu TƯ cho hay, việc điều trị bệnh da mùa xuân sẽ phụ thuộc vào từng loại bệnh và mức độ nghiêm trọng khác nhau của bệnh.
“Thông thường phương pháp điều trị bằng thuốc khá phổ biến. Tùy từng loại bệnh khác nhau mà chúng ta sẽ có những loại thuốc bôi, thuốc uống hoặc là thuốc đắp. Cơ hội khỏi bệnh phụ thuộc vào từng yếu tố khác nhau và mức độ nghiêm trọng khác nhau của bệnh. Ví dụ với các bệnh da do dị ứng như viêm da cơ địa thì khoảng 80-90% sẽ khỏi sau 2 tuổi, chỉ một tỷ lệ nhỏ sẽ chuyển thành viêm da cơ địa trẻ lớn hơn hoặc viêm da cơ địa người lớn sẽ chuyển thành bệnh mãn tính. Hoặc một số bệnh do tiếp xúc chẳng hạn thì nó tùy thuộc vào yếu tố dị nguyên. Nếu tránh được các yếu tố dị nguyên sẽ tốt hơn”- BS Thùy chia sẻ.

Các chuyên gia y tế cũng đã đưa ra cảnh báo về việc người chăm sóc trẻ tự ý sử dụng thuốc tây hay là thuốc lá trong các trường hợp các bé bị bệnh về da.
“Việc tự ý sử dụng thuốc có rất nhiều và khi đến gặp bác sĩ là thường bệnh nhân cũng đã sử dụng thuốc rồi. Ví dụ như thuốc có chứa corticoid, loại thuốc này bôi thì rất nhanh đỡ các triệu chứng tổn thương nhưng thuốc cũng gây ra rất nhiều tác dụng phụ. Tất nhiên, trong điều trị bệnh, các bác sĩ vẫn dùng thuốc có chứa thành phần này, thế nhưng đó là loại thuốc nào, sử dụng trong bao lâu và tùy từng loại mà dùng tại các khu vực da khác nhau như thế nào…. Tất cả điều này cần được các bác sĩ khám và tư vấn cụ thể. Việc lạm dụng thuốc có chứa corticoid có thể gây ra tình trạng rạn da, rậm lông… thậm chí còn gây ra tình trạng suy tuyến thượng thận”- BS Nguyễn Thị Thanh Thùy cảnh báo.
Ngoài ra, rất nhiều bà mẹ hay dùng thuốc lá để tắm, chà xát, rồi đắp làm cho da của trẻ nhỏ gặp phải tình trạng khô, dễ bị kích ứng và đặc biệt nhiều trường hợp còn bị loét, chảy dịch và nhiễm trùng. Da của trẻ nhỏ cần được chăm sóc da, cho nên nếu cha mẹ dùng không đúng thì bệnh sẽ nặng hơn rất nhiều. Vì thế theo lời khuyên của bác sĩ, các bà mẹ không nên tự ý sử dụng thuốc mà hãy đến cơ sở y tế đề gặp và nhận sự tư vấn của bác sĩ. Điều này sẽ khiến bệnh chuyển biến tích cực hơn. Cũng giống như thuốc, các loại lá cũng cần dùng đúng cách để tăng hiệu quả cho việc chăm sóc và hỗ trợ điều trị các bệnh về da và điều này nhất thiết cần phải được các bác sĩ chỉ định.
Các nguyên tắc phòng bệnh và dự phòng tái phát bệnh da mùa xuân
Theo BS Nguyễn Thị Thanh Thùy, điều quan trọng đầu tiên là phải giữ da của trẻ sạch sẽ, khô thoáng và tránh những yếu tố tác nhân kích thích. Với cơ địa dị ứng nên tránh dùng quần áo có những chất liệu như len, lông, dạ, nên mặc quần áo cotton… hoặc những yếu tố gây dị ứng bên ngoài môi trường. Đặc biệt, da trẻ nhỏ cần dưỡng da thường xuyên. Tránh các yếu tố gây kích thích khiến da trẻ khô hơn. Việc chăm sóc dinh dưỡng cũng đặc biệt quan trọng.
“Bổ sung cho trẻ đầy đủ các chất dinh dưỡng. Phải chăm sóc da để duy trì độ ẩm của da, giữ cho da khô ráo, sạch sẽ và tránh các yếu tố tác nhân kích thích và yếu tố dị nguyên trong môi trường. Đồng thời, các bệnh nhi phải chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và tăng cường rau xanh, trái cây. Thường thì cha mẹ nên cho các bé ăn đầy đủ, không nên kiêng trong thời gian điều trị bệnh. Chỉ khi các bé bị viêm da do dị ứng thì mới nên kiêng một số loại thực phẩm có thể gây dị ứng như trứng, sữa, các loại hạt… Nên cho trẻ bổ sung đủ nước để tránh làm da bị khô”- BS Thanh Thùy lưu ý.

Một nguyên tắc không kém phần quan trọng đó là khi các bé xuất hiện các triệu chứng bất thường về da, cha mẹ nên đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
“Nếu chưa đến bệnh viện ngay được thì cha mẹ có thể theo dõi bé trong vài ngày, nếu triệu chứng không thuyên giảm hoặc là có triệu chứng nặng lên như sốt cao hoặc một số trường hợp nhiễm vi khuẩn, mủ lan rộng... thì nên đến bệnh viện sớm. Trong trường hợp các bé khó chịu và quấy khóc nhiều thì cha mẹ cũng nên cho các bé đến sớm để được các bác sĩ tư vấn. Tùy từng mức độ sẽ có sự tư vấn và điều trị khác nhau để tránh những biến chứng không đáng có sau này. Tiêm phòng vaccine đầy đủ để phòng ngừa hiệu quả nhất đối với các bệnh do virus như thủy đậu, tay chân miệng...