Hiện nay, Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng tim mạch; 39,5% biến chứng về mắt và thần kinh; 24% biến chứng về thận.
Bệnh nhân đái tháo đường gia tăng không chỉ ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Bệnh gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong do người bệnh phát hiện và điều trị muộn.
Đáng lưu ý là số trẻ mắc đái tháo đường đang có xu hướng tăng. Thống kê tại Bệnh viện Nhi TW cho thấy, 10 năm trước, bệnh viện chỉ tiếp nhận khoảng 10 ca/năm nhưng những năm gần đây số ca mắc đã tăng lên hàng trăm trường hợp.
Bằng chứng từ các nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa bệnh tật với lối sống: thiếu hoạt động thể lực và chế độ ăn không hợp lý, trong đó có việc sử dụng đồ uống có đường.
Những người tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên (1 lon/ngày) có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 cao hơn 26% so với những người hiếm khi sử dụng.
Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng tiêu thụ khoảng 1 lon nước ngọt/ngày sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 lên 22% so với những người uống ít hơn 1 lon/tháng.
Đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do (đường thêm vào thực phẩm, đồ uống trong quá trình chế biến, sản xuất). Đối với đường tự nhiên (đường có sẵn trong các loại trái cây, rau củ, …) không tính là đường gây hại cho sức khỏe.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng tiêu thụ. Giảm hơn nữa mức tiêu thụ các loại đường tự do xuống dưới 5% (25g tương đương với 5 thìa cà phê đường) mỗi ngày sẽ có lợi hơn cho sức khỏe.