Ông H.V.M (70 tuổi, Hải Dương) hôm nay quay trở lại Bệnh viện TWQĐ 108 tái khám. Một tháng trước ông là bệnh nhân nặng nhất của Khoa Hồi sức tim mạch, thì nay, ông đã có thể chậm rãi đi từng bước.

“Hôm nay lần đầu tiên tôi đi bộ xa nhất là được gần 100 mét. Tôi cũng đi bộ từ ngoài cổng bệnh viện vào đây. Hôm đầu tiên từ bệnh viện về, muốn đứng lên ngồi xuống phải đỡ còn giờ tự đứng lên, ngồi xuống, tự đi vệ sinh, ăn uống có cảm giác ngon miệng”, ông M chia sẻ.

Trước Tết, ông bị sốt 3 ngày, kèm khó thở, choáng váng và trống ngực. Gia đình đưa ông đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương điều trị, nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Khi được chuyển đến khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108, ông được xác định là bị viêm cơ tim.

Bác sỹ Phạm Văn Chính – Khoa Hồi sức tim mạch BV TWQĐ 108 cho biết: đến ngày thứ khi nhập viện, bệnh nhân có cơn nhịp chậm, huyết áp thấp, nhịp tim chỉ 20 nhịp/phút, ý thức lơ mơ. Bác sỹ cho thở oxy nhưng không đáp ứng.

Ngay lập tức, một ekip cấp cứu tim mạch được thiết lập bao gồm: 1 bác sỹ trực tại chỗ, 2 bác sỹ đang trong thời gian nghỉ phép được huy động, 1 bác sỹ gây mê hồi sức và 4 y tác, điều dưỡng. Ekip đã thực hiện kỹ thuật hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể ECMO thức tỉnh – kỹ thuật tiên tiến nhất trong cấp cứu hồi sức hiện nay:

“ECMO xong tưởng có thể thở phào nhẹ nhõm nhưng vừa về đến khoa bệnh nhân bị block nhĩ thất độ cao, nhịp tim chỉ còn 10 lần/phút, gần như ngừng đập hoàn toàn. Nếu diễn biến này xảy ra trước khi đặt ECMO thì rất nguy kịch, bệnh nhân có thể tử vong nhưng may mắn do đã có ECMO hỗ trợ, nên chúng tôi quyết định đặt máy tạo nhịp tạm thời trong buồng tim của bệnh nhân và sử dụng thuốc kích thích tăng nhịp tim. May mắn, bệnh nhân có nhịp tim trở lại 50-60 lần/phút”, bác sỹ Phạm Văn Chính cho biết.

Sau 7 ngày thực hiện kỹ thuật ECMO, bệnh nhân có cải thiện rõ rệt và đủ điều kiện rút ECMO. Thế nhưng, sức khỏe bệnh nhân lại có những diễn biến mới, thử thách con tim và khối óc của các thầy thuốc.

“Ngày đầu tiên sau rút ECMO bệnh nhân còn ngồi xem bóng đá được nhưng sau đó 2 hôm bệnh nhân lại xuất hiện các rối loạn nhịp tim, diễn tiến thành ngừng tim luôn. Bệnh nhân có 5 lần ngừng tim và lại trở lại trạng thái nguy kịch như ban đầu”, bác sỹ Phạm Văn Chính nói về giây phút “cân não” trước bệnh nhân H.V.M.

Bác sỹ đã quyết định thay đổi biện pháp điều trị, dùng các thuốc xóa rối loạn nhịp tim, kích nhịp tim nhanh hơn nữa. Tuy nhiên, giải pháp này chứa rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ suy tim. Nhưng trong tình thế nguy cấp đó buộc phải chấp nhận. Và điều kỳ diệu đã đến, sau khi dùng thuốc các rối loạn nhịp tim không còn nữa.

Sau gần 3 tuần điều trị, trải qua tất cả 20 lần sốc điện tim, thế nhưng, khi bệnh tình có chuyển biến, có hy vọng thì bệnh nhân lại cảm thất kiệt sức, xin được về nhà dù nguy cơ tử vong là rất cao. Vì thế, một lần nữa các y bác sỹ lại hết sức động viên, thuyết phục.

Sự quyết tâm, kiên trì đó đã có kết quả. 28 Tết bệnh nhân được ra viện, về ăn Tết với gia đình.

Có thể nói, thành công của ca bệnh được xác định từ nhiều yếu tố trong đó có việc chẩn đoán đúng, đưa ra chiến lược xử lý kịp thời, sự phối hợp ăn ý giữa các chuyên khoa, sự tận tụy chăm sóc hết lòng của nhân viên y tế, sự quyết tâm của gia đình bệnh nhân và cả nhờ sự phát triển của y học với các trang thiết bị hiện đại.