Đó là trường hợp của bé trai N.V (13 tuổi ở tỉnh An Giang) đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 19/4, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị nhiễm độc nặng, bàn tay trái bị nhiễm trùng, hoại tử. Kết quả xét nghiệm ghi nhận, trẻ bị rối loạn đông máu.

Khai thác bệnh sử từ phía gia đình ghi nhận, 6 ngày trước khi nhập viện, cậu bé lên rẫy phụ giúp công việc gia đình. Khi đưa tay vịn vào thân cây chuối để chuẩn bị chặt, trẻ đã bị con rắn lục nưa (còn gọi là rắn hổ bướm) – một trong tứ đại nọc độc của loài rắn cắn vào bàn tay trái.

Sau khi tiêu diệt con rắn, người mẹ đã dùng miệng hút nọc độc rồi băng cánh tay cho con. Tuy nhiên, thay vì đưa trẻ tới bệnh viện để được cấp cứu, điều trị kịp thời, gia đình lại đưa bệnh nhi đến nhờ thầy lang ở địa phương đắp thuốc.

Sau 3 ngày thầy băng thuốc vết thương bị nhiễm trùng, trên cơ thể bệnh nhi nổi bóng nước kèm các vết bầm da. Bên cạnh đó, trẻ đối mặt với những cơn đau nửa thân người bên trái và đau ê ẩm vùng bụng, lúc này gia đình mới đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng TP. Hồ Chí Minh cấp cứu.

Các bác sĩ đã thực hiện cắt lọc hoại tử, xử lý tình trạng nhiễm trùng đồng thời truyền huyết thanh kháng độc tố rắn lục kết hợp với các loại chế phẩm máu để điều trị tình trạng rối loạn máu cho bệnh nhi. Sau nhiều ngày được chăm sóc, điều trị tích cực, hiện bệnh nhi đã vượt qua được cơn nguy kịch, sức khỏe bình phục tốt.

Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng, trong trường hợp bị rắn độc cắn, người dân cần lập tức gọi số khẩn cấp cho bệnh viện gần nhất để được cấp cứu bằng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu đã được dự trữ sẵn, đặc biệt khi là thấy vết thương có dấu hiệu đổi màu, bắt đầu sưng hoặc đau. Không nên đắp thuốc, điều trị theo các phương pháp dân gian truyền miệng để tránh nguy cơ tử vong hoặc biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.