So với số mắc trung bình 5 năm gần đây, bệnh than hiện đang có dấu hiệu gia tăng tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang. Nguyên nhân là do vi khuẩn gây bệnh có khả năng tồn tại lâu trong môi trường dẫn đến nguy cơ tiếp tục lây lan cho đàn gia súc, từ đó làm tăng nguy cơ lây sang người. Do đó các biện pháp phòng bệnh cần được tiến hành thường xuyên.

PGS-TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh than là một bệnh truyền nhiễm nhóm B do vi khuẩn Bacillus anthracis gây ra. Loại vi khuẩn này thường tồn tại trong môi trường tự nhiên hoặc ký sinh trên các loại động vật nuôi hoặc động vật hoang dã. Khi con người tiếp xúc với động vật chứa vi khuẩn gây bệnh có thể bị nhiễm vi khuẩn và mắc bệnh nghiêm trọng. Thông thường vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người thông qua các đường tiếp xúc như:

- Nhiễm qua da: xảy ra khi tiếp xúc mầm bệnh thông qua vết thương trên da hoặc sử dụng các sản phẩm động vật như lông, da sống, len,… Các vị trí lây nhiễm dễ gặp thông qua da chính là cổ, cẳng tay, bàn tay. Mầm bệnh ủ từ 1 - 7 ngày đến khi khởi phát nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách đều có thể hồi phục nhanh. Ban đầu, bệnh nhân xuất hiện vết rộp hoặc mụn nhỏ, không đau, hơi ngứa. Sau đó, tổn thương có thể lan rộng ra, xung quanh miệng vết thương sưng nhẹ và có màu hơi đỏ còn ở giữa có vảy màu đen.

- Nhiễm qua đường hô hấp: khi người tiếp xúc mầm bệnh do hít phải bào tử vi khuẩn có trong không khí thường có trong các nhà máy sản xuất len từ lông động vật, lò mổ,… Dấu hiệu nhận biết đầu tiên chính là khó thở do ảnh hưởng đến hạch bạch huyết ở ngực và dần lan đến các cơ quan hô hấp khác như phổi.

- Nhiễm qua đường tiêu hóa: khi sử dụng các loại thịt động vật có chứa mầm bệnh và chưa được nấu chín kỹ và khi nuốt vào cơ thể sẽ bị bào tử vi khuẩn bệnh than xâm nhập gây bệnh bên trong đường tiêu hóa.

PGS-TS Đỗ Duy Cường cho biết, hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh than đều lây từ động vật sang người và chưa có nghiên cứu nào cho thấy bệnh than lây từ người sang người. Do đó, bệnh than không dễ lây lan nhanh như các bệnh do virus và mọi người cũng không nên quá lo lắng.

“Hiện các loại kháng sinh thông thường vẫn có tác dụng đối với vi khuẩn gây bệnh than nên việc điều trị căn bệnh này khong có gì khó khăn. Bệnh có thể khỏi sau khoảng 7– 10 ngày, các tổn thương trên da cũng như các triệu chứng ở đường hô hấp, tiêu hóa sẽ dần dần biến mất” – vị chuyên gia về truyền nhiễm cho biết.

Vi khuẩn gây bệnh than tồn tại dưới dạng bào tử trong môi trường tự nhiên nhiều năm liền, thậm chí là vài chục năm mà vẫn duy trì khả năng gây bệnh.

Hiện nay đã có vaccine phòng bệnh than cho con người, tuy nhiên vaccine này có số lượng giới hạn và thường chỉ tiêm cho các những người có đặc thù nghề nghiệp tiếp xúc nhiều với súc vật hay sản phẩm chứa nhiều vi khuẩn, người làm việc trong phòng thí nghiệm. Do đó, đối với cộng đồng, việc phòng bệnh thông qua các biện pháp không đặc hiệu vẫn là chủ yếu.

PGS-TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, người dân sinh sống tại các địa phương từng xảy ra bệnh than cần đặc biệt chú ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh, nhất là những người làm việc tại các lò giết mổ trâu bò. Đó là mặc quần áo bảo hộ cá nhân, đeo găng tay, đi ủng, đeo khẩu trang, vệ sinh, rửa tay sạch … sau khi tham gia giết mổ trâu bò hoặc lao động ngoài môi trường, tiếp xúc với đất cát để tránh vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua da hoặc niêm mạc.

Đồng thời, không nên tự ý vận chuyển, giết mổ hoặc mua bán ăn thịt gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Vi khuẩn than tương đối yếu, có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 50 - 55 độ C sau 15 - 40 phút và ở nhiệt độ 75 độ C sau 1 - 2 phút. Còn nha bào bệnh than có khả năng sống lâu hơn, chỉ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100 độ C sau 10 - 20 phút. Do đó, mọi người nên thực hiện ăn chín, uống sôi, đặc biệt không nên ăn thịt trâu bò tái sống.