Bị biến chứng viêm cơ tim chỉ với dấu hiệu viêm họng

"Đến bệnh viện, bác sĩ chỉ định cho siêu âm rồi ngay lập tức đưa lên xe đẩy cấp cứu, bác sĩ bảo con bị rối loạn tim, tim đập nhanh phải chạy ECMO. Cả nhà khóc, không nghĩ con nặng thế. Ở nhà, cháu chỉ bảo đau họng bình thường thôi. Vậy mà khi cấp cứu, bác sĩ bảo khả năng của con là 50/50” – Chị Q., mẹ bé H. ở tỉnh Hưng Yên vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về bệnh tình của con xảy ra cách đây gần 3 tháng.

Giữa tháng 7, bé H. chỉ có biểu hiện ho bình thường, chị Q. cho bé uống kháng sinh trong 7 ngày, song triệu chứng vẫn không thuyên giảm, bé mệt và ăn kém hơn. Gia đình đưa bé lên BV Nhi TW. Ngay sau khi thăm khám, siêu âm tim bác sĩ chuyên khoa Tim mạch BV Nhi TW chẩn đoán bé H. bị viêm cơ tim cấp, phải nhập viện cấp cứu và hỗ trợ điều trị bằng ECMO (Extracorporeal Membrane Oxygenation) ngay.

Những ngày con nằm trong phòng cấp cứu là quãng thời gian “khủng hoảng” nhất với gia đình chị. Chỉ biết chờ đợi từng giờ, từng ngày trôi qua và cầu mong có “một phép nhiệm màu” sẽ đến. Và rồi niềm vui vỡ òa khi bác sĩ thông báo, chức năng tim của con đã dần hồi phục, có thể xuất viện.

“Cháu chạy ECMO được 6 hôm thì bác sĩ gọi vào rút ống cho cháu. Bác sĩ lúc đó vẫn chỉ là 50/50 thôi, rút ra mà cháu tự hoạt động được thì sẽ sống, còn không thì không sống được. Lo lắng vô cùng, không được vào nhìn mặt con, mọi người chỉ nằm ngoài hành lang chờ đợi cũng không biết làm thế nào. Cũng may, số cháu may mắn cộng thêm sự nhiệt tình của bác sĩ nữa nên con đã qua cơn nguy kịch. Điều trị 14 ngày thì được ra viện. Cảm ơn các bác sĩ” – Chị Q. chia sẻ.

Vui hơn nữa là giờ đây, cấu trúc tim của con đã trở về bình thường, bé H đã có thể sinh hoạt, đi học như những trẻ khỏe mạnh khác.

Bệnh viêm cơ tim dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác

Theo BSCKII Lê Thị Phượng – Phó Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Nhi TW, viêm cơ tim xảy ra không phải do di truyền hay bẩm sinh. Viêm cơ tim là tình trạng viêm và hoại tử tế bào cơ tim, biểu hiện suy tim cấp và loạn nhịp tim, xảy ra sau nhiễm trùng do virus, vi khuẩn, nấm, chất độc, thuốc, hay mắc một số bệnh tự miễn như lupus ban đỏ.

Viêm cơ tim không phải là bệnh phổ biến. Ở Anh, tỷ lệ mắc viêm cơ tim phải nhập viện là 0,04%,ở Mỹ là 0,01-0,02% các trường hợp nhập viện. Theo thống kê của Bệnh viện Nhi TW từ tháng 1 năm 2002 đến tháng 9 năm 2023, mỗi năm Bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho khoảng 50 trẻ ở các mức độ khác nhau.

“Nguyên nhân nhập viện tình trạng nặng, vì biểu hiện của trẻ đa dạng, không điển hình, diễn biến cấp tính có trường hợp giống cảm cúm, đau họng, đau người, mệt mỏi; rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, đau bụng, có một số trẻ hơi mệt thôi, chỉ không muốn ăn thôi mà khi cha mẹ đưa trẻ đến viện thì đã có dấu hiệu nặng rồi. Vì không có triệu chứng gì đặc hiệu nên các cha mẹ thường bỏ qua tình trạng bệnh” - BSCKII Lê Thị Phượng cho biết.

Giải thích thêm về nguyên nhân cha mẹ dễ bỏ sót bệnh của con, BSCKII Lê Thị Phượng cho biết bệnh thường xuất hiện ở trẻ lớn, mà khả năng thích nghi, chịu đựng của trẻ lớn lại tốt hơn trẻ bé nên hay phát bệnh khi trường hợp bệnh đã muộn.

Chính vì thế có một số dấu hiệu gợi ý mà bố mẹ nên quan tâm để đưa con đến bệnh viện.

“Phần lớn trẻ đều có triệu chứng nhiễm virus trước đó. Theo nghiên cứu có đến 70-80% những em bé đó có triệu chứng của viêm đường hô hấp, ví dụ như sốt nhẹ, đau họng, đau mỏi người, rối loạn tiêu hóa kèm theo. Triệu chứng đau ngực chiếm 80% những trường hợp trẻ bị viêm cơ tim. Ngoài ra, các con sẽ mệt mỏi, bố mẹ sẽ phát hiện thêm những triệu chứng khác, ví dụ như là thấy da con tái, sờ tay chân thấy lạnh. Nếu bố mẹ quan tâm con kỹ hơn thì sẽ thấy tim con đập nhanh hơn. Con sẽ thấy khó thở. Bình thường những đứa trẻ này đi lại khá năng động nhưng bây giờ đi lại một tí đã kêu mệt rồi, phải nghỉ ngơi chẳng hạn. Ngoài ra, 60% trẻ nhập viện có triệu chứng đau bụng, nôn. Vì vậy, khi thấy các con có những biểu hiện đó cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện khám” – BS Lê Thị Phượng khuyến cáo.

Với trẻ nhỏ, do trẻ chưa biết nói thì cha mẹ nên lưu ý đến các dấu hiệu như con sẽ li bì hơn, không nhanh nhẹn như những ngày bình thường. Đứa trẻ bỏ bú hoặc đang bú thì trẻ phải ngừng lại để thở và sau đó trẻ mới bú tiếp. Đó là triệu chứng bú ngắt quãng. Nặng hơn sẽ có khó thở, thở nhanh, thở rên. Cha mẹ để ý hơn sẽ phát hiện nhịp tim của con đập nhanh hơn bình thường.

Bệnh viêm cơ tim nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời, con có thể sống khỏe mạnh.

Theo BS Lê Thị Phượng, những trường hợp viêm cơ tim cấp, đặc biệt là những trường hợp tối cấp bệnh diễn biến trong thời gian khá nhanh. Vì vậy, khi thấy con có dấu hiệu nghi ngờ như trên thì cha mẹ nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ tại y tế cơ sở khám và đánh giá. Nếu con đang trong tình trạng cấp cứu thì con sẽ được sơ cứu, nếu con trong tình trạng an toàn, các bác sĩ sẽ đánh giá và em bé sẽ được chuyển đến tuyến y tế chuyên khoa sâu hơn.

Với sự phát triển của y học hiện đại, ngày nay nhờ dấu hiệu cảnh báo và kinh nghiệm của bác sĩ các trường hợp viêm cơ tim cấp được phát hiện sớm hơn và được điều trị đúng, cộng với phương pháp hỗ trợ về tim, ví dụ như dùng tim phổi ngoài cơ thể, ECMO… tỷ lệ cứu sống những em bé bị viêm cơ tim cấp bây giờ khá cao.

Ở các nước phát triển, tỷ lệ thành công của viêm cơ tim cấp trong cấp cứu ban đầu từ 60-80%. Còn ở Bệnh viện Nhi TW, tỷ lệ thành công hơn 60%, tương đương với các nước phát triển. Phần lớn những trường hợp viêm cơ tim cấp nếu điều trị đúng sẽ hồi phục gần như hoàn toàn. Khoảng 1,1% trường hợp viêm cơ tim tái phát. 30% trường hợp bị viêm cơ tim để lại biến chứng cơ tim giãn, rối loạn nhịp cần theo dõi sau này.

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học trên thế giới, đa số trường hợp rối loạn nhịp của những trường hợp bị viêm cơ tim cấp thì sẽ tự giới hạn, tự ổn định. Khi chức năng tim đc hồi phục hoàn toàn nhưng vẫn có rối loạn tiềm tàng cần được theo dõi sau này.

Đối với những trẻ bị viêm cơ tim, sau hồi phục, cha mẹ nên có sự quan tâm, chăm sóc con kỹ hơn. Con cần hạn chế vận động nặng, không tham gia các môn thể thao đối kháng trong khoảng 3-6 tháng, đặc biệt là đối với những môn thể thao dưới nước vì nếu có trường hợp xảy ra ở dưới nước thì sẽ cấp cứu khó khăn hơn.