Lý do được TS.BS Dương Đức Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai đưa ra trong buổi làm việc sáng nay (18/8) với lãnh đạo Bộ Y tế và Bệnh viện là do nhân viên y tế chuyển công tác, thiếu thuốc, thiết bị y tế và cơ chế để thực hiện tự chủ.

Từ năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai được giao làm thí điểm tự chủ, tuy nhiên theo TS.BS Dương Đức Hùng, bệnh viện chưa bao giờ được giao đủ điều kiện tự chủ là tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về giá và giao vốn để làm tự chủ. Điều đó có nghĩa bệnh viện đang tự chủ trên danh nghĩa.

Bệnh viện Bạch Mai xin đề xuất chuyển đổi mô hình theo Nghị định 60 của Chính phủ tự chủ theo nhóm 2 - tức là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên.

Tại buổi làm việc, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng đề xuất chưa nên thực hiện tự chủ ở các bệnh viện tuyến cuối, vì nếu tự chủ bệnh viện tuyến cuối sẽ phải tăng doanh thu, lúc đó sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân nghèo, nhiệm vụ an sinh xã hội của bệnh viện không được đảm bảo. Đặc biệt, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành của Bộ Y tế mới tính 4/7 yếu tố cấu thành giá và hiện Bộ Y tế chưa ban hành giá trần dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, trong bối cảnh hiện nay, nhiều máy móc hiện đại trong các đề án liên doanh, liên kết đang dừng hoạt động dẫn tới thiếu thiết bị phục vụ người bệnh. Khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế…Nguồn thu của Bệnh viện năm 2020, 2021, mỗi năm giảm 2.000 tỷ, ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, viên chức và người lao động.

Trước đề xuất của Bệnh viện Bạch Mai, Quyền Bộ Trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K Trung ương là 2 đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ được 2 năm. Nay muốn chuyển sang hình thức nào (tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 33 hay thực hiện theo Nghị định 60), Bộ đều phải có tổng hợp để báo cáo Chính phủ.

"Hiện Bộ đang giao Vụ Tài chính làm việc với 2 bệnh viện đánh giá kỹ, từ đó trình lên Chính phủ”, Quyền Bộ Trưởng Y tế nói.

Bà Đào Hồng Lan cũng nhấn mạnh, các vướng mắc đa phần liên quan cơ chế tài chính 2 bệnh viện cần có báo cáo, phân tích các vướng mắc khi thực hiện Nghị định 33 và nếu đề xuất chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60, cũng cần thêm các hướng dẫn chi tiết.

“Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ để có định hướng trong quá trình triển khai thực hiện. Nếu chúng ta tháo gỡ được vướng mắc này - cùng với việc Chính phủ đang tập trung tháo gỡ vướng mắc về văn bản pháp luật, sẽ đưa ra hành lang pháp lý giúp cho bệnh viện có định hướng thời gian tới tốt hơn”, bà Đào Hồng Lan khẳng định.