Theo con số thống kê, hàng năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ và giống như các bệnh mạn tính khác, con số này vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Theo Hội đột quỵ thế giới, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi. Về con số tử vong, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca với hơn 6% trong số đó là người người trẻ.

Để giảm nguy cơ tử vong do đột quỵ, thời gian qua Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức đã nghiên cứu và áp dụng trang thiết bị mới, hiện đại để phục vụ trong điều trị bệnh, trong đó có phương pháp can thiệp nội mạch bằng cách sử dụng hệ thống chụp mạch máu số hoá xoá nền.

Từ khi đưa vào vận hành hệ thống phòng chụp mạch máu số hóa xóa nền tại Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức (tháng 2-2020), bệnh viện đã thực hiện thành công hàng ngàn ca can thiệp cấp cứu cho các bệnh lý tim mạch bao gồm: đặt chụp và nong động mạch vành, đặt stent động mạch vành, cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. Bên cạnh đó, đội ngũ bác sĩ can thiệp mạch máu ngoài tim cũng đã thực hiện thành công hơn 200 ca can thiệp điều trị cho các bệnh lý khác như đột quỵ não, u gan, ho ra máu, xuất huyết tiêu hóa, tắc mạch chi, hẹp cầu nối AVF….

Với sự nỗ lực không ngừng cùng đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, và ứng dụng trang thiết bị mới, hiện đại, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức đang dần trở thành một trong những cơ sở y tế đáng tin cậy trong khu vực để điều trị đột quỵ, giúp cho bệnh nhân bị đột quỵ hồi phục một cách tốt nhất và để lại di chứng ít nhất. Bệnh viện đã vinh dự được Hội Đột quỵ Thế giới (WSO) trao tặng "Chứng nhận vàng" trong điều trị đột quỵ.

BS CKII Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng khoa nội Thần kinh, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức cho biết, để đạt được "Chứng nhận vàng" này của WSO đề ra, Đơn vị Đột quỵ, thuộc khoa Nội thần kinh của Bệnh viện Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức phải đạt được những điều kiện rất nghiêm ngặt mà tổ chức này đề ra.

Cụ thể, có ít nhất 100 bệnh nhân trong một quý; phải có từ 50% số bệnh nhân đủ tiêu chuẩn dùng thuốc tiêu sợi huyết có thời gian từ lúc đến bệnh viện đến khi được tiêm thuốc < 60 phút; phải có từ 80% trở lên số bệnh nhân bị đột quỵ được chụp CT hoặc MRI sọ não; phải có từ 5% số bệnh nhân được tái thông mạch máu và thời gian phải < 120 phút từ lúc đến bệnh viện tới lúc bắt đầu chọc kim (nếu lấy huyết khối bằng dụng cụ); phải có từ 80% số bệnh nhân bị đột quỵ được làm nghiệm pháp nuốt; phải có từ 80% số bệnh nhân bị nhồi máu não được sử dụng thuốc kháng kết tập tiểu cầu; phải có ít nhất 80% số bệnh nhân bị nhồi máu não do rung nhĩ được dùng thuốc kháng đông…"Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc điều trị bệnh đột quỵ, tận dụng tối đa thời gian vàng để đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên", BS CKII Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.

Phương pháp can thiệp nội mạch là sử dụng các ống thông nhỏ đưa vào các mạch máu trong cơ thể qua vị trí ở cổ tay hoặc ở bẹn, các ống thông này được di chuyển trong lòng mạch dưới hướng dẫn của màn hình soi tia X di động, bác sĩ sẽ điều khiển các ống thông này để đi đến các vị trí cần can thiệp như tim, não, thận, gan, hoặc mạch máu ngoại biên.... Qua đó bác sĩ có thể thực hiện các kỹ thuật can thiệp như: nong mạch máu bị hẹp, lấy huyết khối gây tắc trong lòng mạch, đặt giá đỡ trong lòng mạch máu hoặc sửa chữa các khiếm khuyết cấu trúc tim, bít tắc mạch nuôi u để triệt tiêu các khối u… Phương pháp can thiệp nội mạch đã góp phần đáng kể cứu sống rất nhiều bệnh nhân nguy kịch như nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ não cấp, ung thư gan, u mạch máu hoặc can thiệp nút mạch cầm máu trong các trường hợp vỡ các tạng, xuất huyết tiêu hóa, ho ra máu…rút ngắn được thời gian nằm viện, giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng.