Cách đây 2 năm, Lý Xuyến Thoàn, 15 tuổi ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai bỗng dưng bị đau bụng, buồn nôn. Gia đình đưa đi khám thì mới biết em bị suy thận cấp. Điều trị ở Bệnh viện Nhi TW một thời gian, Thoàn về nhà đi học trở lại, mẹ em thường xuyên ra chợ mua một loại thuốc nam về cho uống. Nhưng chỉ sau đó vài tháng, bệnh của Thoàn nhanh chóng trở nặng, phải chạy thận định kỳ 3 lần/tuần. Cô bé to khỏe ngày nào giờ gầy guộc, nhỏ bé, đi đâu cũng cần người chăm sóc. “Bây giờ, em nặng chỉ còn 24kg. Mỗi lần chạy thận xong, mệt lắm, không đủ sức làm việc gì” - Thoàn chia sẻ.
Cùng chạy thận với Thoàn ở khoa Thận và lọc máu, bệnh viện Nhi TW còn có bé Đào Khánh Lâm ở tỉnh Bắc Ninh. Mới 13 tuổi nhưng Lâm đã có "thâm niên" chạy thận 3 năm. Chị Nguyễn Thị Duyên – mẹ Lâm cho biết, Lâm bị hội chứng thận hư từ nhỏ nhưng gia đình chủ quan, không đưa đi khám sớm và điều trị triệt để nên bệnh ngày càng trở nặng. Nhìn con ngày đêm mệt mỏi, cơ thể bị phù ngày càng nhiều, chị Duyên không khỏi xót xa và day dứt. Chị Duyên đã nghĩ đến việc sẽ hiến thận cho con để ghép.
Hiện nay, Khoa thận và lọc máu, Bệnh viện Nhi TW đang điều trị cho hơn 60 trẻ bị suy thận mạn, trong đó có hơn 20 trẻ đang chờ được ghép thận. Độ tuổi trẻ bị hội chứng thận hư cũng khác nhau, có những trẻ sơ sinh đã xuất hiện dấu hiệu của bệnh.
TS.BS Nguyễn Thu Hương – Trưởng Khoa thận và lọc máu, Bệnh viện Nhi TW cho biết, suy thận xảy ra do các nguyên nhân khác nhau như: trẻ có những bất thường về đường tiết niệu, trẻ bị thiểu sản thận, bệnh lý do cầu thận… Có 2 loại suy thận là suy thận cấp và suy thận mạn. Có nhiều bệnh nhân như trường hợp của Lý Xuyến Thoàn và Đào Khánh Lâm bị suy thận cấp, đáng lẽ bệnh sẽ được điều trị khỏi hoàn toàn nhưng do gia đình chủ quan, không điều trị dứt điểm hoặc cho trẻ dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc dẫn đến trẻ bị suy thận mạn.
Hiện nay, có 3 phương pháp điều trị bệnh suy thận mạn ở trẻ: Chạy thận nhân tạo, làm thẩm phân phúc mạc và ghép thận. Ghép thận là phương pháp tối ưu nhất nhưng việc tìm được nguồn ghép là rất khó. Phương pháp thẩm phân phúc mạc và chạy thận nhân tạo chỉ là giải pháp kéo dài sự sống cho trẻ lại dễ gây biến chứng tim mạch, suy tim khiến trẻ tử vong. TS.BS Nguyễn Thu Hương còn cho biết, trẻ chạy thận nhân tạo thường có chế độ ăn uống kiêm khem nghiêm ngặt, không được uống nước có gas, không được ăn nhiều hoa quả hoặc đồ ăn có nhiều đạm. Vì vậy, những trẻ này thường chậm phát triển về thể chất, còi cọc. Việc phải chạy thận thường xuyên, định kỳ 3-4 lần/tuần còn khiến các em không thể đi học được, bố mẹ cũng không có điều kiện đi làm, do đó gia đình thường rất khó khăn.
Vì vậy, để đề phòng trẻ từ suy thận cấp chuyển sang suy thận mạn, TS.BS Nguyễn Thu Hương khuyên các cha mẹ cần tuân thủ theo đúng lộ trình điều trị của bác sĩ, không bỏ thuốc, không sử dụng thuốc nam hay thuốc bắc. Nếu bệnh nhân có những dấu hiệu bất thường về đường tiết niệu như nước tiểu đục, cảm giác đau rát khi đi tiểu, buồn nôn, đau bụng… thì nên cho trẻ đi khám và điều trị sớm.