Nội dung tin nhắn nói rằng, đây là nghiên cứu của các nhà khoa học Singapore sau khi tiến hành khám nghiệm tử thi của các bệnh nhân tử vong do Covid-19. Không những thế, tin nhắn còn khẳng định có thể điều trị Covid-19 bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu... Đây là thông tin sai sự thật. Bộ Y tế không đưa ra thông tin và khuyến cáo như vậy.

Trước tình trạng nhiều thông tin giả về tình hình dịch Covid-19 gây hoang mang dư luận, mới đây Bộ Công an đã hướng dẫn người dân các kỹ năng để nhận biết thông tin không đúng trên không gian mạng. Theo đó, Bộ Công an khuyến cáo người dân khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp chia sẻ, phát tán, bịa đặt thông tin sai sự thật, vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19 đã bị xử phạt nghiêm minh, thậm chí có thể xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội vi phạm điểm e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Tùy theo tính chất và mức độ, hành vi này có thể sẽ bị xử phạt tối đa 30 triệu đồng theo quy định tại Điều 101, 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Thậm chí, hành vi vi phạm này có thể bị xử lý hình sự, như Điều 288, Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 01 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 02 - 07 năm.

Ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong trận chiến chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, thì rất cần có sự chung sức, đồng lòng của người dân trong việc lên án những hành vi sai phạm và không chia sẻ những thông tin xấu, góp phần loại bỏ những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.