Theo đó, kiểm tra về thông tin, số liệu hoạt động bệnh viện trong 12 tháng (chuyên môn, tài chính, nhân lực, tổ chức, danh mục kỹ thuật, danh sách người hành nghề, danh mục trang thiết bị, sử dụng thuốc, báo cáo mô hình bệnh tật). Ngoài ra, kiểm tra công tác an toàn phòng chống dịch Covid-19; công tác thu dung, điều trị Covid-19 và sự sẵn sàng tham gia cấp cứu, hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 và người bệnh khác; triển khai thực hiện đề án “Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng”; kiểm tra tình hình áp dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh…
Theo yêu cầu của Bộ Y tế, các bệnh viện cũng thực hiện khảo sát sự hài lòng của người bệnh nội trú, ngoại trú, khảo sát ý kiến người mẹ sinh con tại bệnh viện và toàn bộ nhân viên y tế (khuyết danh). Nội dung khảo sát tập trung vào các nhóm vấn đề: sự minh bạch thông tin và thủ tục khám bệnh, điều trị; cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh; thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế, nhân viên phục vụ; kết quả cung cấp dịch vụ (cấp phát thuốc và hướng dẫn sử dụng thuốc đầy đủ, chất lượng); kết quả điều trị đáp ứng được nguyện vọng; đánh giá chung BV đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm so với mong đợi của người bệnh trước khi nằm viện… Có 5 mức độ đánh giá từ rất kém đến rất tốt.
Trong tháng 12/2022, các BV hoàn thành việc tự kiểm tra, đánh giá trên. Sau khi bệnh viện hoàn thành tự kiểm tra, đánh giá, từ tháng 12/2022 đến quý 2/2023, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra, đánh giá lại đối với các bệnh viện trực thuộc (trọng tâm kiểm tra kỹ các bệnh viện có kết quả bất thường hoặc không thực hiện các chỉ đạo của cơ quan quản lý).
Việc khảo sát thực hiện với người bệnh và người nhà chăm bệnh nhằm tìm hiểu nguyện vọng người bệnh. Các ý kiến này sẽ giúp ngành y tế khắc phục khó khăn, từng bước cải tiến chất lượng để phục vụ người dân tốt hơn. Bộ Y tế bảo đảm giữ bí mật thông tin và không ảnh hưởng đến việc điều trị của người bệnh tham gia khảo sát.