Hơn 10 năm thành lập, nhóm Ban Mai ở huyện Đông Anh, Hà Nội gồm hơn 30 thành viên là những phụ nữ và trẻ em sống chung với HIV sinh hoạt định kỳ 2 lần/tháng. Hoạt động của nhóm chủ yếu là cung cấp thông tin liên quan đến HIV và các bệnh nhiễm trùng cơ hội do HIV, cùng với đó giới thiệu việc làm cho các thành viên trong nhóm.

Với vai trò là trưởng nhóm và người sáng lập, chị Mai Hải Anh sẽ là người kết nối và hỗ trợ các thành viên trong việc uống thuốc, xét nghiệm, kết nối thông tin khám và điều trị. Công việc thường ngày vốn đã bận rộn nhưng trong thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19, chị Hải Anh còn vất vả hơn nhiều bởi khó khăn trong việc đi lấy thuốc ARV uống định kỳ, phải đi vay thuốc để uống, xấu hơn nữa là uống thuốc bị đứt quãng… là điều mà các thành viên trong nhóm hay gặp trong thời kỳ dịch bệnh.

Nhiều khi chỗ các bạn ở có barie rào chắn thì phải mang thuốc đến cho các bạn ý hoặc có bạn vị thành niên không có thuốc uống mà không ra đường được thì phải gửi qua đường bưu điện mà gửi qua đường bưu điện sẽ bị chậm mất vài hôm, điều đó có nghĩa trong vài ngày đó các bạn sẽ không có thuốc để uống. Đôi khi phòng khám gửi thuốc đến chậm thì phải vay thuốc của thành viên khác trong nhóm cho bạn ý uống” – chị Mai Hải Anh chia sẻ.

TS Hoàng Đình Cảnh – nguyên Phó Cục Trưởng Cục p/c HIV/AIDS cho biết, thực tế trên xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là những nơi bị ảnh hưởng nặng nền bởi dịch Covid-19 như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Long An, Đồng Nai và một số tỉnh miền Tây.

Quản lý bệnh nhân HIV, không chỉ là về vấn đề uống thuốc mà còn có công tác giám sát, xét nghiệm phục vụ cho hoạt động sàng lọc, chẩn đoán. Thời gian qua, công tác xét nghiệm HIV cũng bị ảnh hưởng. Trước đây chúng ta triển khai xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế hoặc tại cộng đồng do nhân viên y tế thực hiện hoặc xét nghiệm tại cộng đồng do nhân viên cộng đồng thực hiện.

Khi dịch Covid-19 xảy ra, khách hàng không đến tiếp cận với các cơ sở xét nghiệm cố định, nhân viên phòng xét nghiệm ở các tuyến huyện/tỉnh chịu nhiều áp lực do chủ yếu ưu tiên cho xét nghiệm Covid 19 vì vậy để đảm bảo xét nghiệm HIV kịp thời thường hay phải làm việc quá thời gian, thiếu nhân lực; công tác vận chuyển mẫu các mẫu xét nghiệm kỹ thuật cao như đếm tế bào CD4, đo tải lượng vi rút, chẩn đoán sinh học phân tử cho trẻ nhiễm HIV ở một số tỉnh bị chậm thời gian do khu vực miền Nam và TP. Hồ Chí Minh bị phong tỏa nên không thể gửi mẫu đến Viện Pasteur HCM để xét nghiệm.

Theo báo cáo của Cục phòng chống HIV/AIDS, từ đầu năm tới nay, cả nước ghi nhận gần 11.000 bệnh nhân HIV mới, hơn 1.500 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân HIV mới được phát hiện và tử vong đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo hết năm 2021 sẽ phát hiện khoảng 13.000 người nhiễm HIV trong khi những năm trước chỉ khoảng 10.000 người.

TS Hoàng Đình Cảnh cho rằng, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực, việc khách hàng khó tiếp cận với các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS là một trong những nguyên nhân khiến số bệnh nhân HIV tăng và tử vong. Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực, dịch vụ xét nghiệm HIV vẫn được các địa phương nỗ lực triển khai nên mới phát hiện được nhiều người nhiễm HIV. “Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã xây dựng và ban hành kịp thời các hướng dẫn đáp ứng khẩn cấp để duy trì tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như: Hướng dẫn tiếp cận với khách hàng qua các ứng dụng online; hướng dẫn khách hàng tự xét nghiệm HIV tại nhà; cấp phát thuốc ARV 3 tháng một lần cho bệnh nhân HIV tự uống thuốc tại nhà...v.v...

Dự báo dịch Covid-19 có thể còn kéo dài và chúng ta có thể sẽ sống chung với dịch Covid-19 trong tình hình mới, do vậy song song với phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương cần tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch Covid-19. Đó chính là lý do năm nay, Bộ Y tế chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là: “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch COVID-19”.

Song song với việc tiếp tục triển khai toàn diện chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch Covid, Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế sẽ thực hiện nhiều giải pháp như: Tăng cường hoạt động truyền thông quảng bá các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS qua các kênh truyền thông đại chúng và qua nền tảng trực tuyến, mạng xã hội như các trang thông tin điện tử, facebook, zalo, tik tok v.v… Dự trù và cung ứng đủ sinh phẩm xét nghiệm và thuốc (ARV; Thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV; Methadone) và vật phẩm can thiệp giảm tác hại như bơm kim tiêm, bao cao su cho các cơ sở y tế… Thành lập các Đội đáp ứng nhanh với Covid-19 để kết nối với đại diện mạng lưới người nhiễm HIV để đăng tải, chuyển các thông tin, các văn bản liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm đối tượng đích và đến người nhiễm HIV kịp thời…. Ưu tiên tiêm chủng vaccine Covid-19 cho các nhân viên hỗ trợ, nhân viên tiếp cận cộng đồng và cho người nhiễm HIV.

Rất nhiều giải pháp sẽ được thực hiện trong tương lai với hy vọng sẽ từng bước thực hiện được mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.