Tính đến nay, TP. HCM tiếp nhận 8.072.820 liều vaccine, trong đó từ Bộ Y tế là 5.622.820 liều và nguồn vaccine tài trợ là 2.450.000 liều. TP đã tiêm 6.237.428 mũi tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, đạt tỉ lệ 77,3%. Trong đó 5.809.303 mũi 1 (đạt tỉ lệ 80,6%) và 428.125 mũi 2 (đạt tỉ lệ 5,9%). Theo đó, số lượng người từ 18 tuổi sinh sống tại TP. HCM theo điều tra của Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tính đến ngày 30-6 là khoảng 7.208.800 người.

Sở Y tế cũng cho biết Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP đã ban hành kế hoạch số 2917 về tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại TP, trong giai đoạn từ 29/8 đến 31/12.

Với mục tiêu là cơ bản hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên, TP đề ra lộ trình thực hiện gồm 4 giai đoạn và cần thêm 6.300.000 liều vaccine, trong đó mũi 1 là 1.400.000 liều và mũi 2 là 4.900.000 liều.

Tại cuộc họp đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19 với 4 địa phương gồm: TP. HCM, Đồng Nai, Long An và Bình Dương sáng 6-9, Cục Y tế dự phòng cho biết đến nay Bộ Y tế đã phân bổ 30 đợt vắc xin COVID-19 với tổng số 32,8 triệu liều.

Riêng TP. HCM, Đồng Nai, Long An và Bình Dương được phân bổ gần 15 triệu liều, chiếm 45% vaccine cả nước. Trong đó, TP. HCM, Bình Dương và Long An đã được cấp số lượng vaccine đủ bao phủ 100% mũi 1 cho những người từ 18 tuổi trở lên. Riêng Đồng Nai đã cấp đủ 80% để tiêm cho mũi 1.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID TP. Đà Nẵng cho biết trong ngày 6/9 TP ghi nhận 63 ca mắc mới. Tuy nhiên, đây là ngày đầu tiên sau gần 2 tháng, Đà Nẵng không có ca mắc trong cộng đồng.

Theo ông Lê Trung Chinh - chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - trong thời gian tới, Bộ Y tế có thể tiếp nhận nhiều loại vaccine với số lượng lớn và sẽ phân bổ về cho các địa phương để triển khai. Do đó ngành y tế phải dành nhân lực để tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 với quy mô lớn, đáp ứng quy định về tiêm chủng tại các quận, huyện.

Để triển khai tiêm chủng quy mô lớn, ông Chinh yêu cầu Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Y tế phối hợp Công an TP để có thông tin từ cơ sở dữ liệu dân cư để thuận tiện trong việc lấy thông tin phục vụ lập danh sách đăng ký tiêm chủng cho các đối tượng thuộc quản lý của địa phương.

Từ ngày 8 đến 11/9, Đà Nẵng cũng sẽ triển khai kế hoạch tiêm mũi 1 vaccine AstraZaneca cho hơn 92.000 người. Đây là đợt tiêm chủng vaccine quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Đà Nẵng (số vaccine phân bổ cho địa phương này tới này hơn 300.000 liều).

Đối tượng được tiêm trong đợt này được mở rộng cho nhiều thành phần. Ngoài lực lượng chống dịch còn có người lao động tại các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp có số lượng người lao động nhiều, và các doanh nghiệp có tính chất công việc tiếp xúc nhiều người.

Ngoài ra, trong kế hoạch thí điểm mở rộng vùng xanh ở Đà Nẵng, ngành y tế chọn tiêm cho người dân ở nơi có mật độ dân số cao, ưu tiên ngõ, hẻm, kiệt, chọn các vùng xanh trong các vùng đỏ, vàng.

Dự kiến đối tượng tiêm là người từ 18 - 65 tuổi tại các khu vực có mật độ dân số cao thuộc 3 quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ.

Còn tại Hải Phòng, UBND TP. Hải Phòng có văn bản thông báo kết luận của chủ tịch UBND TP về việc tiếp nhận và triển khai tiêm 500.000 liều vaccine Vero Cell (Sinopharm) phòng COVID-19 cho người dân trong thời gian từ ngày 8 đến 24/9.

Trong đó, nhóm ưu tiên số 1 là lái xe, phụ xe đường dài; nhóm 2 là công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố và nhóm 3 là người dân tự nguyện tiêm chủng vaccine.

Hải Phòng sẽ triển khai đồng loạt tại các điểm tiêm cố định và lưu động, phấn đấu hoàn thành trong thời gian 10 - 15 ngày kể từ ngày bắt đầu triển khai tiêm mũi 1.

Nhân lực tiêm chủng là cán bộ y tế tại các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế tại các xã, phường, trung tâm tiêm chủng, phòng tiêm… trên địa bàn đã được tập huấn về công tác tiêm chủng (dự kiến huy động 500 cán bộ y tế/ngày).

Ưu điểm của vaccine là thời gian tiêm 2 mũi từ 2-4 tuần, nên có thể hoàn thành 2 mũi tiêm vaccine trong thời gian rất ngắn để chủ động phòng chống dịch, điều này rất quan trọng đối với địa phương có tình hình dịch bệnh khá ổn định như tại thành phố Hải Phòng hiện nay.

Theo UBND thành phố, sau khi tiêm trên 6.000 liều vaccine Sinopharm thời gian qua, thành phố chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm; chỉ có phản ứng thông thường sau tiêm như sưng đau tại chỗ tiêm, đau mỏi người, tuy nhiên đều hết trong một ngày và không để lại biến chứng gì.

UBND thành phố Hải Phòng cũng cho biết đã chuẩn bị phương án bố trí đủ vaccine để tiêm mũi 2 cho những người tiêm mũi 1.

Để việc triển khai tiêm phòng đạt hiệu quả cao, Hải Phòng yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, đăng ký lại với Sở Y tế thành phố, hoàn thành trong sáng ngày 7/9.