Hành trình sống mới với những trải nghiệm mới

Năm 2019, căn bệnh ung thư máu đã khiến cuộc sống bình yên của Nguyễn Thu Phương ở Hà Nội hoàn toàn thay đổi. Buồn bã, lo lắng nhưng được sự động viên từ các y bác sĩ, chị xác định không còn con đường nào khác là phải mạnh mẽ chiến đấu với bệnh tật. Cho đến nay, trong chị còn vẹn nguyên ký ức về khoảng thời gian rất dài, 6 tháng với 5 đợt truyền hóa chất, 13 lần làm xét nghiệm tủy với những với những mệt mỏi, đau đớn cùng cực cả về thể chất và tinh thần.

“Truyền hóa chất vào thì rất khó chịu, có những lúc em suy sụp tinh thần và nghĩ tại sao mình lại phải chịu những đau đớn kinh khủng như thế này? Trước khi mắc ung thư, cân nặng của em là khoảng 53 – 54kg. Trong quá trình điều trị, thời điểm suy kiệt nhất về thể chất em chỉ còn 42kg, mọi sinh hoạt phải hoàn toàn nhờ người thân” – Thu Phương nhớ lại.

Tuy nhiên, nghĩ đến hai con còn nhỏ, cần có mẹ, chị lại tự nhủ mình phải cố gắng vượt qua để trở về. Song song với truyền hóa chất, chị Thu Phương may mắn được đưa vào chương trình điều trị thử nghiệm thuốc đích cho bệnh nhân ung thư máu. Sau 6 tháng, ngày hạnh phúc nhất đã đến khi chị được bác sĩ thông báo sức khỏe ổn định có thể xuất viện về nhà. Nước mắt chị đã rơi trong niềm xúc động, biết ơn vì trong hành trình chữa bệnh luôn nhận được sự yêu thương, chia sẻ của rất nhiều người, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.

“Quá trình điều trị rất dài, thời gian nằm viện nhiều hơn ở nhà. Nhưng sự chăm sóc của các bác sĩ và điều dưỡng cho em cảm giác như được sống trong gia đình. Các bác sĩ rất nhiệt tình, bất cứ bệnh nhân nào đáp ứng tiêu chuẩn điều trị bằng thuốc đích, các bác sĩ đều gửi mẫu ra nước ngoài xét nghiệm và nếu đủ điều kiện đều có cơ hội dùng thuốc miễn phí. Bên cạnh đó, các bạn Phòng Công tác xã hội luôn hỗ trợ tậm tâm. Khi nhận được những món quà nhỏ từ các nhà hảo tâm, em như được tiếp thêm nguồn sinh lực để chiến đấu với bệnh tật” - chị Thu Phương chia sẻ.

Trở về bên gia đình, tưởng chừng bệnh tật đã lui thì đầu năm ngoái, Thu Phương lại tiếp tục được phát hiện mắc ung thư tử cung. Thay vì sợ hãi, oán trách số phận thì chị đã bình thản thực hiện phẫu thuật. Vượt qua hai căn bệnh ung thư, cho đến nay, sức khỏe của Thu Phương đã ổn định và chị vẫn tràn đầy năng lượng, luôn say mê với hoạt động thiện nguyện dành cho người bệnh tại Viện Huyết học Truyền máu TW.

Chia sẻ câu chuyện của mình, chị Thu Phương muốn nói lời cảm ơn chân thành nhất tự đáy lòng tới các thầy thuốc đã đồng hành cùng chị vượt qua hai căn bệnh ung thư. Đồng thời chị cũng mong mọi bệnh nhân sẽ có thêm sức mạnh và động lực để vượt qua căn bệnh hiểm nghèo này.

Cũng đang trong độ tuổi còn rất trẻ, cuộc sống đang rộng mở với bao ước mơ và dự định, trong một lần khám sức khỏe, anh Dương Huy Hoàng tình cờ được phát hiện mắc ung thư máu cấp tính. Không tin đó là sự thật, anh đi kiểm tra lại tại Viện Huyết học Truyền máu TW và điều không mong muốn đã thành sự thật.

Khi nhận được kết quả chẩn đoán ung thư máu và bác sĩ khuyên nên nhập viện ngay để điều trị, tôi và cả gia đình đều rất sốc. Vì trước đó, tôi vẫn khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường. Chỉ đôi khi hơi mệt mỏi nhưng nghĩ là do mình vận động quá sức” – Anh Hoàng kể lại.

Trải qua 8 tháng điều trị hóa chất và được sử dụng thuốc nhắm đích, cũng có nhiều khi rơi vào trạng thái suy sụp, tuyệt vọng song anh Hoàng luôn nhận được sự động viên từ các bác sĩ, điều dưỡng và người thân. Cuối cùng, căn bệnh hiểm nghèo cũng lui trước ý chí kiên cường của anh Hoàng và sự tận tụy chăm sóc, điều trị của y bác sĩ. Trước đây, anh cứ nghĩ ung thư là không thể chữa trị và nguy cơ tử vong cao. Nhưng sau khi tìm hiểu và trải qua quá trình điều trị, anh Hoàng nhận ra, bệnh nhân ung thư vẫn có cơ hội kéo dài sự sống và trở lại với cuộc sống bình thường.

Với anh Hoàng và chị Thu Phương, ung thư không còn là nỗi sợ hãi mà mà bước ngoặt trong cuộc đời. Những chuyện đã xảy ra giống như một thử thách, một trải nghiệm mới giúp họ mạnh mẽ hơn để có thể vượt qua những khó khăn khác trong cuộc sống và thêm trân quý từng ngày, từng giờ được sống khỏe mạnh, bình an.

Nỗ lực của các thầy thuốc để nhân lên mầm hi vọng

Theo TS-BS Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, ung thư máu là 1 trong 7 loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam. Mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 6.300 ca mắc mới ung thư máu. Hiện nay, ung thư nói chung và ung thư máu nói riêng vẫn là căn bệnh nan y.

Tuy nhiên với những tiến bộ về thuốc và phác đồ điều trị, tỷ lệ bệnh nhân ung thư máu đáp ứng tốt với điều trị có thể lên tới 60% đến 70%. Ngày càng có nhiều bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính tại nước ta được kéo dài thời gian cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống. Do đó, bệnh nhân nên giữ tinh thần lạc quan, mạnh mẽ để chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo này.

“Quan điểm hiện nay, ung thư không là không phải là căn bệnh gắn liền với chết chóc mà là một sự khởi đầu cuộc sống mới với một trạng thái mới. Trước đây, căn bệnh này có thể không điều trị được và người bệnh có nguy cơ tử vong rất sớm. Tuy nhiên, với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, hiện nay nhiều bệnh ung thư không điều trị khỏi nhưng có thể lui bệnh rất sâu, rất lâu, có thể lui bệnh hoàn toàn trong nhiều năm. Đã có nhiều bệnh nhân ung thư được điều trị ổn định và có thể lấy vợ, lấy chồng, sinh con. Có những bệnh nhân ung thư sống thêm 20-30 năm mà vẫn khỏe mạnh. Người bệnh ung thư nếu hiểu được căn bệnh của mình, tuân thủ điều trị cũng như chăm sóc, ăn uống, sinh hoạt dinh dưỡng đầy đủ thì có thể kéo dài cuộc sống như những người bình thường” – Vị bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị ung thư máu chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Nhật, Phó trưởng Khoa điều trị hóa chất, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, hiện nay hầu hết các kỹ thuật điều trị ung thư máu hiện đại, mới nhất trên thế giới đều đang được ứng dụng và triển khai tại nước ta.

Bên cạnh phương pháp điều trị kinh điển như hóa trị liệu thì Viện đã và đang triển khai các phương pháp điều trị tiên tiến khác như ghép tế bào gốc tạo máu, dùng thuốc nhắm đích, kháng thể miễn dịch đơn dòng... Tính đến nay, Viện Huyết học Truyền máu TW đã tiến hành ghép tế bào gốc cho khoảng 500 bệnh nhân với kết quả điều trị khả quan, tỉ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm lên tới 50-60%.

Việc điều trị nhắm đích ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đã được thực hiện cho bệnh nhân bị ung thư máu từ nhiều năm nay, mang lại hiệu quả tốt cho người bệnh. Loại thuốc này khi vào cơ thể sẽ tìm những tế bào ung thư để tiêu diệt, không gây độc cho cơ thể như hóa trị liệu. Hiện Viện đang hợp tác với một số trung tâm nghiên cứu trên thế giới, thử nghiệm loại thuốc nhắm đích thế hệ mới cho bệnh nhân, hoàn toàn miễn phí. Những trị liệu như vậy giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống tốt hơn, có cơ hội kéo dài sự sống và khỏi bệnh trong một số trường hợp.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Quốc Nhật, để có được kết quả đó, các thầy thuốc tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương luôn luôn cố gắng, nỗ lực học hỏi, nâng cao trình độ, tham khảo tài liệu, theo dõi, cập nhật các phác đồ cũng như các loại thuốc mới đang được nghiên cứu trên thế giới, tận dụng mọi cơ hội để người bệnh được tiếp cận thuốc trong quá trình điều trị.

Và với những người đã nguyện gắn bó với nghề y như BS Nguyễn Quốc Nhật, BS Vũ Đức Bình... mỗi bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện luôn là niềm vui, là món quà quý giá trong cuộc đời làm nghề thầy thuốc.