Chúng ta mất gần 50 năm (tính từ khi triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia) để thiết lập “hàng rào” bảo vệ sức khỏe cho hàng triệu trẻ em. Với khởi điểm ban đầu tỷ lệ tiêm phòng còn rất khiêm tốn 27% nhưng rất nhanh chóng tỷ lệ này đã đạt 90 và trên 90%, thanh toán được một loạt các dịch bệnh nguy hiểm như bại liệt, uốn ván, đậu mùa…. Thế nhưng, thành quả đó đang bị “lung lay” bởi đại dịch Covid-19 kéo dài trong suốt 3 năm vừa qua. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số trẻ em “0 liều vaccine” nhiều nhất thế giới, với gần 190 nghìn trẻ em dưới 1 tuổi không được tiêm một loại vaccine nào trong năm 2021.

Cần làm gì để đảo ngược tình trạng sụt giảm tiêm chủng? Phóng viên VOV2 đã có cuộc phỏng vấn bác sỹ Vũ Quốc Đạt, giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, trường ĐH Y Hà Nội, thành viên Mạng lưới Đánh giá và Ứng phó về lâm sàng các bệnh mới nổi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Phóng viên: Thưa bác sỹ Vũ Quốc Đạt, bức tranh chung của các quốc gia về tiêm chủng hiện nay là như thế nào?

Bác sỹ Vũ Quốc Đạt: Trong và sau đại dịch Covid-19, sự sụt giảm về độ bao phủ vaccine không chỉ xảy ra ở nước ta mà còn ở rất nhiều quốc gia khác, chẳng hạn như Ấn Độ, quốc gia có số dân đông nhất trên toàn cầu và cả quốc gia phát triển như Mỹ. Trong quá trình phòng chống dịch, chúng ta triển khai các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài dẫn tới người dân không thể thực hiện tiêm chủng. Ngoài ra, nhiều quốc gia tập trung vào việc tiêm phòng vaccine Covid-19 nên không có đủ nguồn lực để triển khai các chương trình tiêm chủng mở rộng. Một bức tranh mà tôi nghĩ rằng tương đối ảm đạm cho sức khỏe toàn cầu trong giai đoạn hậu Covid-19.

Phóng viên: Theo thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỉ lệ tiêm chủng nhiều loại vaccine ở nước ta ở vào mức thấp nhất trong 20 năm qua. Chúng ta đang nhìn thấy những hệ quả và cả những nguy cơ gì trong tương lai nếu như tỷ lệ tiêm phòng này không được “vực dậy”, thưa bác sỹ?

Bác sỹ Vũ Quốc Đạt: Tôi nghĩ rằng, hậu quả có lẽ là chúng ta sẽ sớm thôi, trong vòng một đến vài năm tới. Đó là sự trỗi dậy của các bệnh truyền nhiễm mà chúng ta đã có khả năng phòng bằng vaccine. Minh chứng rõ ràng nhất là bệnh sởi. Khả năng lây lan và nguy cơ tiến triển nặng của bệnh sởi, thậm chí còn được coi là vượt xa Covid-19 cũng như các bệnh lý đường hô hấp khác.

Khi tỷ lệ miễn dịch sởi giảm do tiêm phòng giảm sẽ dẫn đến viễn cảnh nhiều trẻ em mắc sởi, trong số đó sẽ có trẻ bị biến chứng và tử vong. Hậu quả này đôi khi chúng ta coi thường và không lường trước, vì nó không xảy ra tức thì. Sự suy giảm miễn dịch sẽ đẩy cộng đồng tới nguy cơ đối mặt với các bệnh truyền nhiễm bị lãng quên hoặc các bệnh truyễn nhiễm mà đáng lẽ chúng ta phòng được.

1 đến 2 năm tới, tức là khi mà tỷ lệ bao phủ vaccine suy giảm, miễn dịch của chúng ta cũng sẽ giảm và các bệnh này sẽ tiến triển và gây thành dịch lớn.

Và hậu quả thậm chí là xa hơn, bởi vì, những trường hợp không được tiêm phòng vaccine bây giờ sẽ là những người không có miễn dịch sau này. Khi họ lớn lên, lập gia đình thì những người con được sinh ra từ những bà mẹ không được tiêm phòng sẽ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm và các dịch bệnh khác cao hơn so với trẻ được sinh ra từ những bà mẹ được tiêm phòng, nhất là trong giai đoạn 6 tháng đầu. Chúng ta có thể đối mặt với một thế hệ mà không được tiêm phòng đầy đủ.

Cho nên các dịch bệnh không chỉ bùng phát cho chúng ta trong vòng 1 đến 2 năm tới mà nó còn có thể nguy cơ bùng phát đe dọa bùng phát trong hàng chục năm sau.

Phóng viên: Vậy theo bác sỹ làm thế nào để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng?

Bác sỹ Vũ Quốc Đạt: Quan trọng nhất là từng gia đình, đặc biệt là các bậc phụ huynh phải nhận thức được ý nghĩa của việc tiêm phòng. Cá nhân tôi cảm thấy tương đối kỳ lạ là sau dịch Covid-19, đã chứng kiến sự kỳ diệu cũng như là hiệu quả to lớn của việc tiêm vaccine, ấy thế mà chúng ta lại nhanh chóng quên lãng và coi thường việc tiêm vaccine đối với cả những bệnh khác.

Cho nên tôi nghĩ rằng, trong giai đoạn này bắt buộc phải nâng cao nhận thức của người dân đối với việc tiêm chủng và chúng ta làm sao chúng ta phải động viên để cho mọi người nhận thấy rằng việc tiêm phòng có những cái nguy cơ tối thiểu đối với sức khỏe con người và lợi ích thì chắc chắn là vượt trội.

Tất cả chúng ta đã sống sót qua một đại dịch nhờ vào hiệu quả của vaccine, đó là điều không thể chối bỏ. Cho nên là cái việc mà chúng ta nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng đối với các vaccine khác là điều quan trọng.

Vấn đề thứ hai, phải ngăn chặn bằng được các thông tin giả, thông tin sai sự thật về các tác dụng phụ không mong muốn của vaccine. Khi chúng ta để thông tin thất thiệt đó vào trong đầu và hình thành tư duy bài trừ vaccine thì con cái của chúng ta là những người chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Thứ ba là phải tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ tiêm chủng cho tất cả mọi người. Cần tiến hành chiến dịch tiêm chủng cho tất cả những trẻ bị đã bỏ lỡ lịch tiêm chủng định kỳ trong khoảng thời gian xảy ra đại dịch.

Phóng viên: Liệu những mũi tiêm bù này có hiệu quả phòng bệnh như trước không, thưa bác sỹ?

Bác sỹ Vũ Quốc Đạt: Tôi có thể khẳng định ngay, những cái mũi tiêm bù cho trẻ là có hiệu quả và chắc chắn sẽ bảo vệ được trẻ khỏi các bệnh lý truyền nhiễm. Việc tiêm phòng muộn hơn một chút sẽ đem lại miễn dịch cao hơn so với cả việc tiêm sớm. Cho nên bây giờ điều cần phải làm là tiêm ngay lập tức cho những trẻ đã bị lỡ các mũi tiêm thứ hai hoặc là những trẻ chưa tiêm mũi đầu.

Phóng viên: Theo bác sỹ, đây đã là thời điểm thích hợp và cấp thiết để chúng ta tiến hành củng cố toàn bộ hệ thống, vực dậy tỷ lệ tiêm chủng, ít nhất là bằng với thời điểm năm 2019-trước khi xảy ra đại dịch?

Bác sỹ Vũ Quốc Đạt: Chúng ta đã nhận thức được lỗ hổng thì hiển nhiên phải sửa càng sớm càng tốt. Và nếu bắt đầu từ bây giờ thì tôi nghĩ rằng, chúng ta hoàn toàn có cơ hội để hồi phục lại hệ thống miễn dịch cộng đồng.

Vì sao tôi nói như vậy, bởi vì rõ ràng là chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn trong dịch Covid-19, chúng ta đã đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95 %. Đó là cơ sở vững chắc cho thấy rằng chúng ta hoàn toàn có thể tăng độ bao phủ của các vaccine khác cho cộng đồng trong một khoảng thời gian từ 1 đến 2 năm.

Phóng viên: Xin cảm ơn bác sỹ!