Y tế cơ sở còn thiếu và yếu là thực trạng tồn tại nhiều năm qua, đặc biệt sau đại dịch Covid-19 càng bộc lộ những khiếm khuyết. Không chỉ các trạm y tế xã, phường, ngay cả những trung tâm y tế quận, huyện – nơi tiếp nhận, điều trị, quản lý một lượng lớn bệnh nhân cũng chưa đảm bảo đúng chức năng phân cấp của mình. Bên hành lang Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu cho rằng cần rà soát nhu cầu thực tế của từng địa phương để có phương án đầu tư đúng và trúng trọng tâm, tránh đầu tư dàn trải. Có như vậy mới đảm bảo nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Chia sẻ với PV VOV2, đại biểu Đào Chí Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ cho biết, hiện 100% trạm y tế xã trên địa bàn có bác sỹ, một số trạm được trang bị máy siêu âm, máy điện tim, máy đo đường huyết...để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên xảy ra tình trạng, nơi được trang bị máy móc hiện đại thì không có bác sĩ vận hành, ngược lại có nơi có bác sĩ biết vận hành thì lại không được trang bị máy móc. Nhiều trạm y tế mỗi ngày chỉ tiếp nhận 2-3 bệnh nhân đến khám nên không đủ chi phí duy trì máy móc thiết bị, dẫn đến tình trạng xuống cấp, hỏng hóc mà không được sửa chữa thay thế.
Nhiều cử chi tại Cần Thơ cho biết, các trạm y tế cơ sở chưa giải quyết được nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân, do vậy xảy ra tình trạng chữa bệnh vượt cấp. "Rõ ràng người dân thấy việc trị bệnh ở y tế cơ sở chưa bảo đảm được nhu cầu của họ", đại biểu Đào Chí Nghĩa cho biết.
Kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao, do vậy nhu cầu chăm sóc sức khỏe cũng được chú trọng hơn trước. Việc lựa chọn cơ sở y tế có bác sỹ giỏi, thiết bị máy móc hiện đại là nhu cầu chính đáng của mỗi người dân, do vậy chuyện vượt tuyến khám bệnh là thực trạng không của riêng địa phương nào. Đại biểu Rơ Châm H’Phik – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho biết, nhiều cơ sở y tế không đáp ứng được chức năng, chỉ khám cảm cúm, ốm sốt ban đầu, còn nếu xét nghiệm chẩn đoán bệnh thì rất khó. "Cơ sở vật chất chỉ có cái khung thôi chứ chiều sâu về trang thiết bị thì không có, chỉ những người thực sự nghèo không có kinh phí như đồng bào dân tộc thiểu số thì đến thôi vì không có lựa chọn khác, chứ người bình thường thì thích lên tuyến trên hơn”.
Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, có cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực cho y tế cơ sở là những giải pháp được đưa ra nhiều năm qua. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện vẫn còn hạn chế. Nhiều đại biểu cho rằng, Bộ Y tế cần rà soát tổng thể để đánh giá nhu cầu thực tiễn của từng địa phương từ đó đưa ra phương án đầu tư trọng điểm, tránh dàn trải, lãng phí mà không hiệu quả. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đề xuất cần đầu tư nguồn lực tập trung cho y tế tuyến huyện bởi đây là cơ sở quản lý số lượng lớn bệnh nhân, cũng là nơi hệ thống y tế xuống cấp nhiều nhất cả về nhân lực và cơ sở vật chất.
“Qua tiếp xúc với lãnh đạo các cơ sở y tế tuyến huyện cho thấy dường như họ đang bơi nhưng không có phao cứu sinh. Bệnh nhân có điều kiện sẽ đi lên tuyến trên, những người ở lại là những người không có điều kiện, hoặc bệnh nặng. Cùng với đó là gánh nặng tự chủ của các bệnh viện. Trước thực tế này, thời gian qua, đã tập trung cho tỉnh Lào Cai đưa bác sĩ nội trú xuống huyện, chuyển giao kỹ thuật, khám chữa bệnh từ xa, sau 2 năm hiệu quả thể hiện qua các con số như tỷ lệ chuyển tuyến chỉ còn 3,7%, kỹ thuật tuyến huyện được tăng lên 12%, nhiều bệnh nhân được chữa khỏi mà không cần lên tuyến trên”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu thông tin.
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, thời gian qua tỉnh Lào Cai đã mạnh dạn đầu tư xây mới cho 9 bệnh viện tuyến huyện, trang bị máy móc hiện đại, trong đó có hệ thống máy CT scan hết hệ mới giúp phát hiện, chẩn đoán kịp thời nhiều bệnh lý. Bên cạnh đó, các bệnh viện tuyến huyện cũng đã kí kết hợp tác với các bệnh viện tuyến trung ương để hỗ trợ về kỹ thuật và con người. Do đó, giúp nâng cao đồng bộ cả về cơ sở vật chất lẫn nguồn nhân lực cho các cơ sở y tế tuyến dưới, đáp ứng được nhu cầu điều trị của người dân.
Đồng quan điểm, đại biểu Đào Chí Nghĩa, đoàn Cần Thơ chia sẻ thêm:“Trong Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa và tiền tệ thì Cần Thơ cũng được thụ hưởng chính sách này thì chúng tôi sẽ tập trung đầu tư trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là trung tâm y tế của 9 quận huyện và Trung tâm kiểm soát bệnh tật. Bộ Y tế cũng cần phải rà soát rất kỹ, tổng thể, trong đó xác định được các địa phương ở vị trí cấp vùng thì cần xây dựng được đội ngũ để hướng về cơ sở, ngay cả khuyến khích các em sinh viên giỏi tình nguyện về cơ sở. Đó mới là các giải pháp căn cơ”.
Theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội, tổng mức vốn bố trí cho đầu tư phát triển trong lĩnh vực y tế là 14 nghìn tỷ đồng với 145 dự án thuộc lĩnh vực y tế, đến thời điểm hiện nay, tổng số giải ngân của các dự án mới chỉ đạt 48%, nhiều dự án chậm tiến độ. Thời gian từ nay đến hết năm 2024 không còn nhiều, vì vậy các đại biểu đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế khẩn trương tổng kết, đánh giá kết quả và sớm đề xuất nhu cầu đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng đến năm 2030 để có giải pháp trong thời gian tới.