Nhiều mẹ lo lắng khi bản thân người lớn phun xăm môi hay lông mày còn gặp phải những biến chứng sưng, đau, phù, nề. Với các bé cơ thể còn non nớt, nhạy cảm sẽ rất dễ đối mặt với nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe. Theo TS-BS Uông Thanh Tùng- Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình và Thẩm mĩ- Bệnh viện Xanh Pôn- Hà Nội: “Các bé còn nhỏ hay sợ đau và khóc, việc đau và khóc khiến các bé có thể nôn vọt, thậm chí tràn vào phổi nguy hiểm đến tính mạng. Thêm nữa, trong thuốc phun xăm thẩm mĩ bao giờ cũng có hóa chất rất dễ ngấm vào da và máu, thậm chí chỉ cần tiếp xúc với da thôi thì hóa chất cũng đã rất có hại cho sức khỏe của các bé như ảnh hưởng chức năng gan, thận, tim. Trong trường hợp phun xăm ở nhà không đáp ứng yêu cầu vô khuẩn có thể còn gây nhiễm trùng…”

Ngoài ra, BS Uông Thanh Tùng cũng chia sẻ về nguy cơ bị nhiễm khuẩn nếu không tuân thủ đúng việc chăm sóc, giữ vệ sinh sau thẩm mĩ: “Phun xăm xong phải chống nhiễm trùng, giữ vệ sinh sạch nhất là sau khi ăn uống, các bé còn nhỏ khó có thể giữ vệ sinh, vì thế, rất dễ bị nhiễm trùng.”

Việc thẩm mĩ tạo hình do bệnh lý hay khuyết tật cho các bé còn phải được khám xét, cân nhắc từ phía gia đình và bác sĩ. Bà Trần Thị Thu Hà – Phó GĐ Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng- Phụ trách Phòng khám cây thông xanh- quận Hai Bà Trưng- Hà Nội cho biết: “Ở nước ngoài có những quy định rất chặt chẽ đối với các can thiệp thẩm mĩ cho trẻ nhỏ, như bang Queensland - Australia họ có quy định: nếu trẻ dưới 18 tuổi có nhu cầu thẩm mĩ thì cha mẹ bắt buộc phải đưa con đến bác sĩ nhi khoa và bác sĩ tâm lý để được tư vấn cụ thể và chỉ khi được sự đồng ý của hai nhóm bác sĩ và cha mẹ thì mới được phép thực hiện”.

Trong trường hợp cha mẹ tự ý thực hiện can thiệp thẩm mĩ ( không phải chỉnh sửa khuyết tật) cho con khi tuổi còn nhỏ là xâm phạm thân thể khi con chưa có đủ nhận thức để lựa chọn. Thậm chí, điều này còn tác động không tốt tới sự phát triển nhận thức của các bé như chia sẻ của bà Trần Thị Thu Hà – Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng: “Theo các nghiên cứu tâm lý học trên thế giới trẻ thường quan tâm đến ngoại hình khoảng từ 12 tuổi trở lên, hơn 90% các em này sẽ dành khoảng 90 phút/ngày cho việc soi gương, ngắm nghía bản thân. Điều các em quan tâm chủ yếu là mụn trên mặt, da mặt bị nám, các vấn đề liên quan đến trứng cá chứ còn những thứ khác không để ý nhiều. Bởi vì trẻ lúc đó vẫn còn ham vui, thích thú với các hoạt động xã hội, vui chơi với cha mẹ. Nếu như em bé 5 tuổi mà đã thích đến việc phun môi và bảo bố làm cho mình thì về góc độ tâm lý chúng ta cần phải đặt dấu hỏi”.

Theo bà Trần Thị Thu Hà khi con còn nhỏ, cha mẹ cũng cần phải nhận thức đúng việc can thiệp thẩm mĩ hoặc cho bé làm đẹp: “Con gái khi thấy mẹ trang điểm mặc váy, đi giày cao gót thì bao giờ cũng thích. Nhưng làm cha mẹ, chúng ta phải biết đâu là điểm dừng phù hợp, điều gì có thể khuyến khích hoặc không nên khuyến khích con. Với trẻ dưới 12 tuổi, việc làm đẹp có thể chỉ là mặc quần áo đẹp, nơ tóc đẹp gọn gàng xinh xắn, luôn tươi cười vui vẻ. Hoặc cùng lắm, thỉnh thoảng cho bé tô chút son và cùng con trải nghiệm trong lúc mẹ cùng con trò chuyện, hoặc lúc mẹ trang điểm”.

Các chuyên gia khuyến cáo: "Ai cũng muốn con mình xinh xắn đáng yêu, nhưng việc cha mẹ giúp bé đẹp hơn cũng phải trong giới hạn, phù hợp độ tuổi của bé và không tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ nhỏ".