Gần đây, số trẻ mắc Covid-19 nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM gia tăng, trong đó có trẻ đến khám do có các dấu hiệu ho, sốt, sau đó phát hiện dương tính.

Các bác sĩ cảnh báo phụ huynh không nên nghĩ trẻ em mắc Covid-19 sẽ nhẹ mà cần theo dõi sát các dấu hiệu bệnh của trẻ. Ngoài những trẻ có bệnh lý nền như béo phì, hen phế quản, sinh non nhẹ cân, đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh lý ác tính... thường chuyển nặng thì cũng có những trẻ chuyển nặng do nhập viện trễ, dù không bệnh nền, đã tử vong.

Sở Y tế TP.HCM có văn bản gửi Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM, UBND TP. Thủ Đức và 21 quận, huyện về hướng dẫn tạm thời phương án kiểm soát dịch Covid-19 trong trường học.

Cụ thể, trước khi tổ chức hoạt động giáo dục trực tiếp, trường học xây dựng kế hoạch, phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra trong cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn, nêu rõ sự phối hợp với y tế địa phương (trạm y tế, trung tâm y tế).

Rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch, Tổ an toàn Covid-19 của cơ sở giáo dục, bộ phận thường trực về công tác y tế trường học; cử cán bộ phụ trách y tế trường học tham gia tập huấn kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm nhanh do trung tâm y tế quận, huyện, TP. Thủ Đức tập huấn.

Rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định (nơi rửa tay, nhà vệ sinh có đủ xà phòng và nước sạch, thùng đựng chất thải sinh hoạt, chất thải y tế...), cung cấp nước uống an toàn, ly uống nước riêng... cho học sinh, tăng cường các biện pháp thông khí cho phòng học, phòng làm việc, bố trí phòng cách ly tạm thời, phòng y tế đảm bảo theo quy định.

Thực hiện vệ sinh, khử trùng trường, lớp, đồ dùng học tập và phương tiện đưa đón học sinh (nếu có) theo đúng hướng dẫn của ngành y tế; tổ chức phổ biến, hướng dẫn đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong cơ sở giáo dục cho cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động, phụ huynh học sinh, học sinh trước khi trở lại hoạt động…