Cùng với dịch tay chân miệng ở trẻ nhỏ, hiện nay dịch sốt xuất huyết cũng đang có những diễn biến mới khi số ca mắc ngày một tăng cao. Đắk Lắk với gần 1 nghìn ca mắc sốt xuất huyết và có 1 trường hợp tử vong, Gia Lai với 1.400 ca mắc và dịch đã xuất hiện tại tất cả các huyện trên địa bàn. Bình Phước cũng đã có 1 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. Hai thành phố lớn là HCM và HN cũng ghi nhận các ổ dịch sốt xuất huyết gia tăng bởi mật độ dân cư tập trung đông.

Theo quy luật diễn tiến dịch bệnh hằng năm, mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết đã bắt đầu và sẽ tăng trong tháng 7 và dự kiến kéo dài đến hết tháng 10. Như vậy, đây là thời điểm người dân cần chú ý để phòng bệnh, trong đó nhóm trẻ em và phụ nữ mang thai càng cần phải đặc biệt quan tâm.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: các dấu hiệu của sốt xuất huyết ở thai phụ không khác các nhóm đối tượng khác. Cụ thể là sốt đột ngột, da xung huyết, đau mỏi người, nhức đầu, đau mình mẩy. Tuy nhiên, ở phụ nữ mang thai thường có dấu hiệu mệt mỏi hơn.

“Các thai phụ không nên lo lắng quá mà cần nghỉ ngơi, dinh dưỡng tốt như là uống nước oresol, nước hoa quả gồm cam, chanh, nước dừa, nước canh để bù dịch. Khi sốt có thể dụng thuốc hạ sốt paracertamol và các biện pháp vật lý như chườm ấm, chườm mát ở các vị trí đầu, nách, cổ, bẹn…”, PGS.TS Đỗ Duy Cường chỉ dẫn.

Bác sỹ Cường cũng lưu ý trong những ngày đầu tiên mắc sốt xuất huyết hầu như không ảnh hưởng gì đến thai nhi, tuy nhiên, vẫn phải có những theo dõi về các chỉ số sinh tồn của em bé.

Thông thường sốt xuất huyết trở nặng vào các ngày thứ 3 hoặc thứ 4 của bệnh, vì thế, theo PGS.TS Đỗ Duy Cường đây là giai đoạn các thai phụ cần chú ý các dấu hiệu sau:

- Tiểu cầu hạ dưới 100

- Chảy máu xuất huyết như chấm dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, ra huyết âm đạo, nặng hơn có thể có đái máu, xuất huyết nội tạng.

- Mệt mỏi nhiều , nôn không ăn uống được, đau bụng vùng gan, tiểu ít, không ăn uống được, khó thở.

Khi thấy một hay nhiều dấu hiệu này thai phụ cần nhập viện điều trị ngay. Bởi đây là giai đoạn xuất huyết có biến chứng.

“Nguy cơ mắc sốt xuất huyết ở các nhóm đối tượng là như nhau, duy chỉ có điều với phụ nữ mang thai thì cần phải theo dõi sát hơn vì có đến hai tính mạng cần phải bảo vệ”, bác sỹ Cường nói.

Muỗi vằn mang virus gây bệnh sốt xuất huyết thường đốt vào thời điểm sáng và xẩm tối, vì vậy trong khi sinh hoạt cần phải bôi thuốc chống muỗi đốt, nằm ngủ phải mắc màn, mặc quần áo dài tay. Đây là những biện pháp không đặc hiệu vì hiện nay vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết chưa có.

“Trong y văn thì có nói là phụ nữ mang thai cần được chẩn đoán điều trị sớm chứ chưa có bằng chứng là thai đẻ ra bị dị dạng nên các bà mẹ cũng yên tâm”, bác sỹ Cường cho biết.