Theo BS Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, mùa hè đến trẻ được nghỉ học ở nhà, nếu thiếu sự giám sát của cha mẹ, người lớn thì nguy cơ bị tai nạn thương tích rất cao. Bởi môi trường sống ở nước ta, từ trong gia đình đến ngoài cộng đồng đều chưa đảm bảo an toàn cho trẻ. Việc các bậc cha mẹ để trẻ ở nhà tự trông nhau hoặc gửi con về quê cho ông bà trông nom trong mùa hè đều tiềm ẩn những rủi ro, nguy hiểm.

BS Nguyễn Trọng An cho biết, trong số các tai nạn thương tích thường gặp thì đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ từ 5 - 14 tuổi. Trung bình mỗi năm, nước ta có hơn 2.000 trẻ tử vong do đuối nước. Tiếp theo là các tai nạn khác như bỏng, điện giật, ngộ độc, chấn thương do ngã…

Vì vậy, khi trẻ nghỉ học ở nhà, điều đầu tiên mà các các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý là tạo môi trường gia đình an toàn, loại bỏ những nguy cơ có thể khiến trẻ gặp tai nạn. Đó là:

- Úp xô, chậu đựng nước trong nhà tắm xuống, đậy kín nắp bể, chum vại đựng nước hoặc rào chắn các hố rãnh, ao hồ xung quanh nhà.

- Cất các vật dụng sắc nhọn như dao kéo… gọn gàng và tránh xa tầm với của trẻ.

- Bố trí hệ thống ổ điện, dây điện an toàn. Ổ điện ở dưới thấp cần bịt lại để tránh trẻ nhỏ nhất là các bé dưới 5 tuổi dùng que, bút chọc vào.

- Ngăn cách bếp và các khu vực khác để trẻ nhỏ không đi vào và có thể bị bỏng do bếp lửa, bếp ga và các đồ vật nóng như phích nước, nồi canh…

- Người lớn, người gia khi sử dụng thuốc xong cất thuốc vào tủ khoá lại hoặc cất lên cao để tránh trẻ nhỏ uống nhầm thuốc.

BS Nguyễn Trọng An lưu ý, một nguy cơ có thể dẫn đến ngộ độc gây nguy hiểm đến tính mạng cho trẻ, nhất là ở khu vực nông thôn, đó là các gia đình thường tẩm thuốc diệt chuột vào bim bim, bánh quy hoặc hạt gạo… khiến trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi không biết, nhặt lấy ăn. Vì vậy, các bậc cha mẹ và người lớn phải hết sức thận trọng phòng ngừa nguy cơ này.

“Ngày xưa, khi học sinh nghỉ hè thì có sự bàn giao từ nhà trường về cộng đồng, có các anh chị đoàn viên của Đoàn Thanh niên, hội đồng Đội thiếu niên tiền phong hướng dẫn trẻ vui chơi, giải trí. Bây giờ không có các hoạt động đó nữa, không có thư viện, không có rạp chiếu phim... tức là trẻ con không có những điểm vui chơi an toàn tại cộng đồng. Cho nên tạo một ngôi nhà an toàn, loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ là điều quan trọng nhất.” – BS Nguyễn Trọng An nói.

Cùng với loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn thương tích, việc quản lý, giám sát trẻ khi các bé nghỉ hè ở nhà cũng là điều vô cùng quan trọng. BS Nguyễn Trọng An nhấn mạnh, với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, cha mẹ không nên để trẻ dưới 10 tuổi trông nom. Người lớn luôn phải giữ trẻ trong tầm mắt, tuyệt đối không nên vừa trông trẻ vừa sử dụng điện thoại.

Với trẻ lớn, các bậc cha mẹ hoặc các tổ chức tại cộng đồng có thể dạy trẻ một số kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng tránh đuối nước. Ở những nơi không có sẵn bể bơi, chúng ta vẫn có thể dạy trẻ kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước cũng như khả năng bơi lội.

“Đầu tiên, chúng ta dạy trẻ cách nín thở trên cạn. Tiếp theo chuẩn bị một vài chậu nước hoặc thùng nước lớn và dạy trẻ cách ngụp xuống, nín thở trong nước. Khi trẻ đã thuần thục rồi, lúc đó mới cho trẻ xuống nước và dạy cách trồi lên, hụp xuống, cách ngửa mặt lên thở… sau đó mới dạy đến các kiểu bơi. Nơi dạy bơi cho trẻ, không nhất thiết phải có bể bơi mà có thể chọn mặt nước an toàn và quây lại. Chúng ta phải dạy cho trẻ kỹ năng sinh tồn trong nước, cách cứu nạn người đuối nước chứ không phải chỉ dạy bơi” – BS Nguyễn Trọng An hướng dẫn.

Để trẻ em được lớn lên trong môi trường an toàn, phòng ngừa những tai nạn thương tâm, vị chuyên gia về chăm sóc và bảo vệ trẻ em cũng mong muốn tại cộng đồng có nhiều hơn những điểm vui chơi, giải trí an toàn hoặc các thư viện để trẻ có thể đến sinh hoạt trong hè. Đồng thời, ngành giáo dục nên giảm tải chương trình học văn hóa và tăng cường dạy trẻ các môn học về kỹ năng sinh tồn, kỹ năng thoát hiểm trong những tình huống xảy ra tai nạn, thảm họa.