Bệnh đái tháo đường có thể gây ra nhiều biến chứng. Một trong những biến chứng đó là loét bàn chân, cắt cụt chi. Người bệnh đái tháo đường khi bị tổn thương loét bàn chân có nguy cơ cắt cụt chi cao gấp 10-15 lần so với người bình thường. Đặc biệt, khi bị bội nhiễm, tổn thương loét làm tăng nguy cơ cắt cụt chi ở bệnh nhân đái tháo đường.

Những nguyên nhân gây ra biến chứng loét bàn chân ở người bệnh tiểu đường bao gồm:

-Tổn thương thần kinh ngoại biên: có thể xảy ra ở bất kỳ người bệnh đái tháo đường nào, biến chứng tiểu đường này làm giảm khả năng cảm nhận cảm giác ở bàn chân như đau, nóng, lạnh; người bệnh không thể cảm nhận được bàn chân của mình đã bị tổn thương. Khi chân sưng to lên hoặc nhiễm trùng nặng sẽ làm cho việc điều trị trở nên khó khăn. Loét bàn chân tiểu đường thường gặp ở đầu các xương bàn chân, ngón chân cái, gót chân hay các vết chai ở chân, giữa các ngón chân.

-Tổn thương mạch máu: người bệnh tiểu đường thường dễ bị xơ vữa động mạch, các mạch máu bị hẹp hoặc tắc sẽ làm giảm lượng máu đến bàn chân. Điều này làm các vết loét bàn chân tiểu đường lâu lành.

-Nhiễm trùng: người bệnh tiểu đường dễ bị nhiễm trùng hơn so với người bình thường do lượng đường trong máu cao làm vi khuẩn phát triển. Lượng máu đến bàn chân kém làm cho các tổn thương ở bàn chân lâu lành hơn. Chỉ cần một vết thương nhỏ cũng có thể gây ra nhiễm trùng và loét bàn chân tiểu đường. Nếu nhiễm trùng kết hợp với thiếu máu thì nguy cơ gây cắt cụt chi là rất cao.

Chăm sóc bàn chân người bệnh đái tháo đường:

Theo TS.BS Đỗ Đình Tùng - PGĐ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, để chăm sóc tốt bàn chân, tránh những tổn thương không đáng có thì người bệnh nên lưu ý và thực hành đúng ngay từ việc cắt móng chân. Bởi đây là mối nguy hàng đầu có thể dẫn tới biến chứng bàn chân đái tháo đường.

“Bệnh nhân đái tháo đường thường bị hiện tượng móng chân quặt đây là nguyên nhân gây loét bàn chân ở người bệnh đái tháo đường. Đồng thời người bệnh đái tháo đường thường bị giảm tiết mồ hôi và tuyến bã nhờn nên móng chân bị khô và dễ gãy…Cho nên kỹ thuật cắt móng chân cho người bệnh đái tháo đường như thế nào để không làm tổn thương mô mềm ở dưới thì người bệnh cần phải biết…”.TS Đỗ Đình Tùng cho biết

BS Tùng lưu ý, người bệnh không được cắt móng chân quá ngắn, đặc biệt là khóe móng vì nếu cắt cụt sẽ làm móng quặt. Đây là nguyên nhân dễ khiến móng bị tổn thương và viêm nhiễm. Nên dùng kìm bấm vuông và khi cắt không được cắt ngoạm cả móng vì móng của người bệnh đái tháo đường rất giòn dễ làm móng bị vỡ - đây là điều kiện thuận lợi khiến móng bị nhiễm trùng.

"Người bệnh nên cắt lần lượt từ bên này sang bên kia và giũa cũng vậy, theo một chiều chứ không nhay đi nhay lại. Chúng ta nên cắt móng vuông chứ không cắt tròn…”, BS Đỗ Đình Tùng nhấn mạnh.

Khi người bệnh đái tháo đường thấy móng chân bị biến dạng hay có những dấu hiệu bất thường như nhiễm nấm thì nên xử trí như sau:

-Dùng nước sạch hoặc nước betadine ngâm bàn chân.

-Sau đó cậy nhẹ toàn bộ tế bào da chết để móng chân phục hồi tốt.

-Trường hợp móng vẫn không xử lý được hết hoặc móng bị quặt, móng sùi…thì cần đến các bác sỹ được đào tạo về chuyên khoa bàn chân để khám và xử lý sớm.

-Tuyệt đối không tự ý cắt, lọc bỏ các đốm đen hoại tử nếu chưa được bác sĩ hướng dẫn trước đó.

Ngoài ra, người bệnh đái tháo đường cũng nên sử dụng giày chuyên dụng với đế cứng để tránh những tổn thương không đáng có trong khi di chuyển. Người bệnh không được chườm nóng hoặc sưởi chân, ngâm chân bằng nước nóng kể cả khi thấy tê bì hoặc lạnh chân để tránh bị bỏng hoặc tổn thương do nhiệt.