PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, TS Nguyễn Đức Hòa, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam đồng chủ trì. Buổi họp ngoài điểm cầu chính tại Hà Nội còn được kết nối trực tuyến với 200 đại biểu là bác sĩ, điều dưỡng làm việc trong lĩnh vực lọc máu trong cả nước tham dự trực tuyến.

Cả nước có gần 43.000 bệnh nhân điều trị thay thế thận, trong đó có hơn 33.000 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo và hơn 350 đơn vị chạy thận nhân tạo.

TS.BS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam cho biết, hiện nay nhiều địa phương trong cả nước đã thực hiện chạy thận nhân tạo tại tuyến huyện, nhờ đó, bệnh nhân phải lọc máu không phải di chuyển xa lên trung tâm tỉnh để thực hiện chạy thận 3 lần/tuần. Một số địa phương đã phủ 100% số huyện như Bắc Ninh; Quảng Ninh là 75%.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tỉnh chỉ có 1 đơn vị chạy thận nhân tạo ở BVĐK tỉnh là Cao Bằng, Bắc Kạn, Phú Yên, Kon Tum…

Chi phí lọc máu đang là gánh nặng và áp lực cho bệnh viện, bệnh nhân và gia đình của họ. Theo tính toán của các chuyên gia, chi phí lọc máu hiện chỉ đứng sau chi phí điều trị bệnh nhân ung thư.

Kiến nghị của Hội Lọc máu Việt Nam đến Bộ Y tế và BHXH Việt Nam mong sớm giải quyết các khó khăn vướng mắc của các cơ sở y tế như vấn đề máy chạy thận nhân tạo cho mượn, cho đặt, điều chỉnh định mức vật tư tiêu hao các dịch vụ kỹ thuật lọc máu, bổ sung các kỹ thuật chưa có giá... Mặc dù, Nghị quyết 144 của Chính phủ đã ban hành nhưng có thời hạn đến tháng 10/2023, sau đó giải quyết như nào vẫn đang là bài toán khó cho BV.

Thay mặt Hội lọc máu Việt nam,TS BS. Nguyễn Hữu Dũng đề nghị Bộ Y tế, BHXH Việt Nam khi xây dựng giá, định mức kỹ thuật cho chạy thận nhân tạo, Hội Lọc máu được tham gia giúp và tư vấn cho cơ quan quản lý nhà nước để phục vụ tốt nhất cho công tác quản lý và điều trị người bệnh trong lĩnh vực lọc máu.