Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk đã đồng loạt kiểm tra 6 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột sử dụng hoạt chất 6 - Benzylaminopurine để làm giá đỗ. Kết quả điều tra cho thấy, trong năm 2024, nhóm đối tượng trên đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm chất cấm. Trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng từ 8-10 tấn.

Ngoài ra, tại Huế cũng đã phát hiện một cơ sở chuẩn bị đưa ra thị trường 750kg giá đỗ ngâm hóa chất. Mới đây nhất, ngày 31/12 lực lượng chức năng lại tiếp tục phát hiện một cơ sở tại Quảng Ngãi sử dụng hoạt chất 6 - Benzylaminopurine để làm giá đỗ. Hóa chất này không nằm trong danh mục được phép sử dụng cho thực phẩm, bị các cơ sở sản xuất sử dụng để kích thích giá đỗ mọng nước, ngắn rễ và bắt mắt hơn.

Trong cuộc trao đổi với PV VOV2, TS Nguyễn Văn Sỹ- Phó trưởng khoa Hóa Thực phẩm- Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: 6-Benzylaminopurine là chất kích thích tăng trưởng tế bào cho cây, giúp cây sinh trưởng, phát triển, ra nhánh, đâm chồi, tăng cường ra hoa và cho trái cây to hơn nhờ kích thích, phân chia tế bào.

“ Hiện tại Việt Nam, hóa chất này không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm cũng như không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng. 6-Benzylaminopurine là chất không màu, không mùi, không tan trong dung môi hữu cơ thông thường. Chất này không gây ngộ độc cấp tính như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn nhưng nó có tác dụng lâu dài trên cơ thể, đi vào các cơ quan sinh sản, kích thích sinh trưởng và qua thời gian sẽ làm cho sức khỏe của con người bị suy yếu và gây ra bệnh tật. Hơn thế, việc sử dụng các chất kích thích sinh trưởng gây ra nguy cơ tiềm ẩn về mất an toàn do còn lượng hóa chất tồn dư trong thực phẩm là nguyên nhân gián tiếp gây mất an toàn đối với sức khỏe.”- TS Nguyễn Văn Sỹ cho hay.

Nhiều người lo ngại khi không thể phân biệt được giá đỗ sạch và giá đỗ ngâm hóa chất. TS Nguyễn Văn Sỹ khẳng định, giá đỗ sạch được sản xuất theo quy trình an toàn, đảm bảo chất lượng và không chứa hóa chất độc hại. Giá sạch làm theo phương pháp truyền thống cần ủ 3-5 ngày còn giá đỗ ngâm hóa chất chỉ cần 2 ngày đã có thể thu hoạch.

Theo TS Nguyễn Văn Sỹ, người tiêu dùng có thể phân biệt giá đỗ ngâm hóa chất và giá sạch bằng mắt thường theo các đặc điểm:

-Hình dạng: Giá ngâm hóa chất thân mập, to tròn, nhìn đẹp mắt nhưng thân giá dễ bị đứt gãy. Giá đỗ sạch có hình dạng gầy hơn, không bắt mắt nhưng thân giá cứng hơn và khó đứt gãy.

-Rễ: Giá đỗ sạch rễ dài vì phải hút nhiều nước, giá ngâm hóa chất ít rễ, rễ thường ngắn hoặc không có dễ vì chưa kịp mọc.

-Lá mầm: Giá đỗ sạch có 2 hạt mầm, lá non có màu xanh hoặc vàng, giá ngâm hóa chất thì thường không có lá, hai hạt đỗ vẫn chập vào nhau.

-Mùi vị giá đỗ: Khi chưa sơ chế, giá đỗ sạch thường có mùi khé, giá đỗ ngâm hóa chất không có mùi vị. Sau khi sơ chế giá đỗ sạch có vị ngọt hoặc hơi đắng khi giá đỗ đã bị già còn giá ngâm hóa chất có vị nhạt, khi xào ra nhiều nước.

-Màu sắc: Giá đỗ sạch màu trắng sữa hoặc nhạt hơn còn giá đỗ ngâm hóa chất thì thường có màu trắng sứ đẹp mắt.

-Khi bảo quản: Giá đỗ sạch để ngoài không khí rất nhanh bị héo, khô hoặc thâm, còn giá đỗ ngâm hóa chất thì tươi lâu hơn, có thể bảo quản ở nhiệt độ nắng nóng vẫn không bị ảnh hưởng.

Ngoài giá đỗ, hiện trên thị trường còn có những loại thực phẩm ẩn chứa nguy cơ bị ngâm hóa chất mà người dân cần cẩn trọng. Tuy nhiên, theo chuyên gia hiện nay rất khó để có thể nhận biết thực phẩm ngâm hóa chất nếu nhìn bằng cảm quan thông thường. Do đó, cần sử dụng các trang thiết bị kiểm nghiệm, phân tích thì mới xác định chính xác thực phẩm có bị ngâm tẩm hóa chất hay không.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Sỹ nhấn mạnh, người tiêu dùng vẫn có thể nhận biết thực phẩm có chứa hóa chất nếu dựa trên màu sắc của thực phẩm.

“Thực phẩm đẹp hơn so với màu tự nhiên ví dụ như hải sản tươi sống (mực, bạch tuộc…) khi được tẩy trắng bằng hóa chất như Natri Hydro Sulfit thì sẽ có màu trắng tinh so với màu trắng ngà của thực phẩm ban đầu. Hay một số loại thịt như thịt lợn, thịt bò nếu sử dụng hóa chất như Nitrat, Nitrit thì có thể loại bỏ các mùi ôi thiu, thịt chuyển sang màu hồng tươi, ngon nhưng khi cắt nhỏ ra thì người tiêu dùng sẽ thấy thịt phía trong mềm, nhão hơn hoặc khi đun thịt trong nước sôi thì có thể nổi nhiều bọt có màu đục hoặc mùi hôi” – TS Nguyễn Văn Sỹ khuyến cáo.

Ngoài việc bỏ túi một số mẹo giúp nhận biết giá đỗ an toàn khi đi chợ, người tiêu dùng cũng có thể tự tay trồng giá tại nhà để bữa ăn lành mạnh hơn. Vậy, việc trồng giá tại nhà có khó không? Qua chia sẻ của các bà nội trợ thì việc làm này rất đơn giản mà lại cho năng suất khá cao

Giá đỗ là một loại thực phẩm không thể thiếu trong mâm cơm của gia đình chị Nguyễn Thu Uyên, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội. Chính vì thế, thời gian vừa qua, chị Uyên đã quyết định tự làm giá tại nhà. Qua tìm hiểu chị thấy công việc này rất thú vị và dễ làm:

“Làm giá cũng không khó, mình có mua thiết bị làm giá. Mua đỗ xanh sạch về rửa và loại bỏ hạt lép. Sau đó ngâm nước ấm khoảng 40 độ trong 60 phút, lưu ý tránh ngâm nước nóng quá vì hạt đỗ sẽ bị chín và không nảy mầm được…Sau khi đỗ được làm sạch và ngâm thì sẽ cho vào dụng cụ làm giá. Mỗi ngày sẽ cho giá ngậm nước 3 lần, mỗi lần khoảng 10 phút. Sau 3-5 ngày sẽ thu hoạch được giá sạch và an toàn. Mùi vị rất thơm ngon”- chị Uyên cho biết.

Không có điều kiện đầu tư thiết bị làm giá, bà Minh Thu sống tại quận Đống Đa, Hà Nội tận dụng lại hộp sữa dung tích 1 lít đã qua sử dụng để trồng giá.

“Quy trình vẫn là ngâm rửa đỗ rồi sau đó cho vào hộp sữa, đậy nắp kín, cho ngâm nước hằng ngày 3 lần rồi đổ nước đi. Cứ như vậy, làm trong 3 ngày là có thể thu hoạch được giá sạch để thưởng thức”- bà Thu chia sẻ.

Đúng là việc trồng giá đỗ tại nhà không hề khó một chút nào, các bạn có thể trải nghiệm theo các cách mà những người nội trợ khéo tay đã thực hiện thành công. Hy vọng các bạn sẽ có thêm khoảng thời gian thú vị khi trồng và thu hoạch giá đỗ. Quan trọng hơn, chúng ta lại có thể cung cấp nguồn thực phẩm sạch và an toàn cho bữa cơm của cả gia đình.

Mời nghe tại đây: