Tại nước ta, côn trùng từ lâu cũng đã trở thành những món ăn ngon và khá phổ biến như cào cào, châu chấu, bọ xít, nhộng tằm, dế, ong, mối, các loại sâu... thậm chí côn trùng còn là đặc sản mang thương hiệu địa phương như đuông dừa tại miền nam, kiến hoặc trứng kiến tại Tây Nguyên hay một số tỉnh miền núi phía Bắc:
Đầu bếp Vũ Văn Sơn - chủ một số nhà hàng ăn tại các điểm du lịch, trong đó có Pù Luông- Thanh Hóa cho biết, những năm gần đây, khi du lịch phát triển, người dân bản địa lại có thêm nguồn thu từ việc đi bắt và bán côn trùng. “Côn trùng có giá trị thương phẩm lớn, ví dụ như ve sầu hay con chôm có giá khoảng 200.000đ/kg, người dân thường đi bắt trong tự nhiên về bán hoặc cung cấp cho các nhà hàng”- anh Sơn cho hay.
Các món ăn từ côn trùng không hề xa lạ với người Việt Nam, tuy nhiên, hằng năm vẫn xảy ra những vụ ngộ độc do ăn côn trùng. Gần đây nhất là vào tháng 5 vừa qua, 3 người trong một gia đình ở tỉnh Yên Bái đã gặp tình trạng nguy kịch khi ăn sâu ban miêu trong bữa cơm tối. BS Bùi Thị Trà Vy- Khoa Dinh dưỡng và Tiết chế - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, tuy côn trùng có chứa các protein tự nhiên và khoáng chất thế nhưng không phải loại nào cũng an toàn để ăn.
“Có rất nhiều loài côn trùng trong đó có những loài mình không thường gặp thì lại có rất nhiều độc tố và những độc tố này có thể đến trong quá trình phân hủy sau khi mình nấu chín đó là những loại protein lạ dễ gây biến tính, dễ gây dị ứng và phù nề đường hô hấp cũng như suy đa phủ tạng hơn nữa, một số loài côn trùng thì bản chất lại mang nấm, đặc biệt là các loại nấm có độc dẫn đến là ngộ độc khi ăn những côn trùng đó và một phần nhỏ những loài côn trùng có độc tố ví dụ như kathamicin hoặc những độc tố có nguồn gốc axit khi ăn vào cơ thể gây nhiễm trùng và suy đa phủ tạng cấp tính, tỷ lệ tử vong cao”- BS Vy cảnh báo.
Theo BS Vy, việc người dân cho rằng côn trùng sống trong tự nhiên sẽ không bị ảnh hưởng hóa chất và là nguồn thực phẩm sạch, tuy nhiên, côn trùng rất có thể bị nhiễm nấm, có độc tố lạ từ môi trường và ẩn chứa nguy cơ gây độc cho cơ thể. Khi ăn một loại côn trùng lạ thì hệ miễn dịch của cơ thể con người sẽ gây ra một số phản ứng từ nhẹ đến nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Theo các chuyên gia y tế, người dân nên cẩn trọng khi ăn côn trùng và khi thấy có các dấu hiệu bất thường nên đến ngay cơ sở y tế.
“Khi thấy các dấu hiệu sớm của ngộ độc như dấu hiệu trên đường tiêu hóa như người bệnh nôn, buồn nôn, nôn mửa nhiều, đi ngoài phân lỏng, kèm theo có thể có dấu hiệu thần kinh như đau đầu, lơ mơ, thậm chí có người có thể choáng, ngất thì ngay lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất kèm theo lấy mẫu thức ăn côn trùng mà mình chưa sử dụng hết, hoặc có thể mang theo dịch nôn hoặc dịch phân lỏng của bệnh nhân để trong quá trình điều trị tại bệnh viện thì bác sĩ có thể làm các xét nghiệm để xem người bệnh ngộ độc loại độc tố nào để mình có điều trị chuyên sâu”- BS Vy tư vấn.
Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế cũng đã đưa ra khuyến cáo người dân chỉ lựa chọn những loại nhộng, ấu trùng, côn trùng thông thường, phổ biến, còn tươi sống để chế biến thành thức ăn. Đặc biệt những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn, nếu nghi ngờ thì không ăn. Trong trường hợp sau khi ăn mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn cũng là khuyến cáo cần được người dân lưu tâm.
Tất nhiên, với các loại côn trùng thông thường, để đảm bảo an toàn khi sử dụng, người dân cũng cần cẩn trọng trong khâu sơ chế.
“Với những loại côn trùng thông thường và quen thuộc thì cách chế biến cũng cần phải có kỹ năng. Ví dụ như khi sơ chế côn trùng cần rửa sạch với nước, sau đó ngâm nước muối loãng, nước vôi hoặc nước măng chua để loại bỏ tạp chất, các loại ký sinh hoặc vi nấm trên cơ thể côn trùng. Với bọ xít, mối… cần bỏ cánh hoặc những bộ phận tiết ra mùi hôi”- đầu bếp Vũ Văn Sơn nói.
Ngoài ra, việc chế biến côn trùng cũng rất quan trọng, thông thường, côn trùng sẽ được chiên rán ở nhiệt độ cao để tạo nên mùi thơm và loại bỏ nốt những chất không tốt đối với người ăn.
Các loài côn trùng được Cơ quan quản lý thực phẩm của Singapore cấp phép làm thực phẩm bao gồm nhiều loài dế, sâu bột, châu chấu, nhộng tằm và một số loài bọ cánh cứng… Các loài côn trùng không có trong danh sách được phê duyệt phải trải qua quá trình đánh giá để đảm bảo chúng an toàn khi tiêu thụ. Các công ty bán thực phẩm chứa côn trùng đóng gói sẵn sẽ phải dán nhãn bao bì ghi rõ thành phần. Những sản phẩm côn trùng sẽ phải chịu sự kiểm tra và giám sát của Cơ quan quản lý thực phẩm của Singapore - bao gồm cả việc lấy mẫu để kiểm tra an toàn thực phẩm. Những sản phẩm bị phát hiện không tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm sẽ không được phép bán. Các nhà nghiên cứu ghi nhận hơn 2.100 loài côn trùng có thể ăn được, nhiều loài trong số này chứa nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng.