Việt Nam bước vào cuộc chạy đua sản xuất vaccine phòng chống COVID-19 từ khá sớm với quyết tâm sẽ có được vaccine "Made in Vietnam" đầu tiên vào cuối tháng 9-2021.

Để đạt được điều này, từ khoảng tháng 5-2020 hai loại vaccine Nanocovax và Covivac được Bộ KH-CN phê duyệt "danh mục nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia đột xuất phòng chống dịch COVID-19".

Sau đó có thêm Sputnik V (Nga), VBC-COV19-154 (Mỹ) và Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein (Nhật) được chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam.

Vaccine "Made in Vietnam" đầu tiên được kỳ vọng chính là Nanocovax của Nanogen.

Một đại diện của Nanogen khẳng định từ khi COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, nhiều nơi vào cuộc sản xuất vaccine, đó cũng là lúc ý tưởng sản xuất vaccine của Nanogen được manh nha.

Nhưng phải đến đầu tháng 5-2020, bằng việc đầu tư nguồn lực về tiền bạc, con người, nâng cấp trang thiết bị vật tư, cơ sở hạ tầng để nghiên cứu, bào chế vaccine... Nanogen mới chính thức được cấp phép nghiên cứu.

Và trong suốt hai năm qua, với các giai đoạn thử nghiệm, không biết bao lần kiểm tra đánh giá từ Chính phủ, Bộ Y tế, Hội đồng y đức (Ban đánh giá vấn đề đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Bộ Y tế)... vaccine vẫn chưa được cấp phép.

Trong khi đó, Covivac - sản phẩm của Viện Vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang - cũng bế tắc không kém khi bị tắc ngay sau khi thử lâm sàng giai đoạn 2.

Lý do thời điểm tắc là không tìm đâu ra người chưa tiêm chủng để mời tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3a và 3b, trong khi bình thường khâu này sẽ diễn ra vào tháng 12-2021 nhưng thời điểm đó hầu hết người dân đã được tiêm chủng ít nhất 1 mũi.

Trong khi đó, vaccine Arct-154, vaccine mRNA do một công ty Việt Nam nhận chuyển giao công nghệ, cũng chuẩn bị hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3b.

Dù triển khai nhanh chóng nhưng cơ hội cho vaccine này tại Việt Nam để tiêm mũi cơ bản (như vai trò của vaccine trong nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng) là hoàn toàn không có.

Tại cuộc họp rà soát tiến độ thử nghiệm vaccine và thuốc điều trị COVID-19 mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn giao Cục Y tế dự phòng xây dựng hướng dẫn tiêm vaccine COVID-19 mũi nhắc lại, vừa triển khai vừa nghiên cứu theo dõi như kinh nghiệm các quốc gia khác.

Cục Quản lý dược xây dựng, ban hành hướng dẫn tiêu chí cấp phép vaccine COVID-19 sản xuất trong nước với chỉ định cho liều nhắc lại, hoàn thành trước ngày 30-3.

Cục Khoa học công nghệ và đào tạo hướng dẫn xây dựng Đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng liều nhắc lại đối với vaccine COVID-19 sản xuất trong nước, theo dõi, kịp thời báo cáo những bất cập, khó khăn trong triển khai các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine, thuốc điều trị COVID-19 để xử lý kịp thời.

Vụ Kế hoạch - tài chính hướng dẫn các đơn vị thủ tục cấp kinh phí cho các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 sản xuất trong nước từ nguồn ngân sách nhà nước, định hướng đề xuất đề tài cấp quốc gia.

Đối với nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax, "đề nghị nhóm nghiên cứu và nhà sản xuất sớm cung cấp báo cáo dữ liệu nghiên cứu về hiệu lực bảo vệ làm giảm bệnh nặng và tử vong do COVID-19, chịu trách nhiệm về số liệu nghiên cứu, kịp thời bổ sung tiêm mũi tăng cường cho người tình nguyện".

Với nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154, Bộ Y tế đề nghị tổ chức nhận thử và nhà tài trợ hoàn thiện báo cáo kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.