Trên mạng Tiktok thời gian gần đây xuất hiện nhiều clip chia sẻ về phương pháp thải độc ký sinh trùng. Theo các Tiktoker có thể loại bỏ toàn bộ các loại ký sinh trùng như giun đũa, giun móc, giun lươn đến các loại sán lá gan, ấu trùng sán chó, mèo... bằng cách rất đơn giản, chỉ cần sử dụng đều đặn một loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc tự nhiên là có thể cải thiện rõ rệt các triệu chứng mẩn ngứa, đau đầu, sụt cân... do nhiễm ký sinh trùng. Liệu có phương thuốc nào kỳ diệu như vậy?

Trao đổi với PV VOV2, PGS.TS Đỗ Trung Dũng - Trưởng khoa Ký sinh trùng - Viện Sốt rét và Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương khẳng định, hiện chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh về hiệu quả của loại thuốc này. Bên cạnh đó, với mỗi loại bệnh ký sinh trùng sẽ có phương pháp điều trị đặc hiệu khác nhau, không thể áp dụng một loại thuốc cho tất cả các loại bệnh ký sinh trùng.

Theo PGS.TS Đỗ Trung Dũng, ký sinh trùng thường có ở trái cây, rau sống, thực phẩm tái hoặc các món ăn sống như gỏi, tiết canh, các loại đồ ăn, thức uống chưa được đun sôi, nấu kỹ. Ăn uống là con đường nhiễm ký sinh trùng phổ biến, ngoài ra ký sinh trùng có thể xâm nhập trực tiếp qua da khi tiếp xúc với đất hoặc khi tiếp xúc với vật nuôi như chó mèo, cũng là yếu tố gây ra một số bệnh ký sinh trùng. Mỗi loại ký sinh trùng sẽ ký sinh ở các vị trí khác nhau và gây ra những biến chứng khác nhau, nguy hiểm đối với cơ thể con người.

Đơn cử, khi chúng ta bị nhiễm trứng của giun đũa do ăn rau sống hoặc uống nước lã thì giun đũa có thể gây ra rối loạn tiêu hóa hoặc một số biến chứng như lồng ruột, tắc ruột, giun chui ống mật, giun chui ruột thừa gây viêm ruột thừa....

Hoặc ấu trùng giun đũa chó mèo khi chúng ta tiếp xúc với chó mèo sẽ ký sinh ở tổ chức mô như gan, thận, mắt... có thể dây dị ứng mẩn ngứa kéo dài, gây đau đầu kéo dài...

Rồi nguy cơ nhiễm sán lá gan nhỏ khi ăn cá nước ngọt không được nấu chín sẽ ký sinh trong gan, đường mật gây hiện tượng viêm đường mật, viêm túi mật, sỏi đường mật, sỏi túi mật và đặc biệt có thể gây ung thư đường mật trong gan.

PGS Dũng cho biết, với mỗi thể bệnh tương ứng với từng loại ký sinh trùng sẽ có phác đồ điều trị khác nhau. Đặc biệt, với những loại ký sinh ở các vị trí như gan, thận hay não quá trình điều trị sẽ phức tạp và kéo dài. Đòi hỏi phối kết hợp nhiều biện pháp khác nhau mới loại bỏ được hết ký sinh trùng.

Do vậy, khi có các biểu hiện như sốt kéo dài, rối loạn tiêu hóa, nổi mẩn ngứa, mề đay...nên đến các cơ sở y tế để được tham khám và điều trị kịp thời, tránh nghe theo lời quảng cáo không có căn cứ. Bởi càng để lâu, bệnh ký sinh trùng sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Bên cạnh đó, để phòng bệnh do nhiễm ký sinh trùng PGS. TS. BS Đỗ Trung Dũng khuyến cáo, đơn giản nhất là ăn chín uống sôi, giữ vệ sinh cá nhân bằng cách rửa tay bằng xà phòng để không nhiễm trứng giun sán, vệ sinh nhà cửa và đồ chơi của trẻ...